Chính bởi vậy, mà cũng lâu quá rồi, người dân mới được nghe một lời khẳng định chắc nịch từ Bộ: “Nếu phạt cho tồn tại, mãi mãi không trị được công trình xây dựng sai phép”.
Thực tế, nếu quy chiếu diễn tiến thị trường thì căn bệnh “nhờn thuốc” vi phạm trật tự xây dựng vẫn âm ỉ phát tác. Căn nguyên là bởi việc hợp thức hóa sai phạm. Không hiếm dự án lớn xây dựng không phép, sai phép, nhưng thay vì phá dỡ, cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu, lại được hợp thức hóa sai phạm và cho tồn tại.
Trong y học, để xử lý được tình trạng nhờn thuốc, dưới sự chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân buộc phải sử dụng kháng sinh liều cao hơn để điều trị. Liên hệ với lĩnh vực xây dựng, công trình sai phép chưa có một loại kháng sinh đặc trị. Ngay lập tức, nhiều luận điểm viện dẫn Thông tư số 02/2014/TT-BXD, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 như một công cụ thép để siết sai phạm trong hoạt động xây dựng. Dù vậy, điểm mờ trong Thông tư: “Lấy tài chính đổi sai phạm” vô hình trung chỉ bắt được vài con “cá nhỏ”, một lần nữa vô vàn “cá lớn” lại lọt lưới. Không chỉ hở về chính sách, tồn tại trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị còn khá phổ biến với hiện tượng sờ đâu sai đó, thậm chí chính quyền và các ngành chức năng còn “làm ngơ”, buông lỏng quản lý. Vì lằn ranh giữa các mức độ vi phạm như thế nào còn lờ mờ, và nếu như thế là cơ hội cho tham nhũng. Bởi, mức phạt 40 - 50% giá trị công trình sai phép khi đặt lên bàn cân, đơn vị sai phạm vẫn lợi. Trong khi người có thẩm quyền ký quyết định phạt cho tồn tại lại nhận được quà to. Lợi cả đôi đường, chỉ thiệt cho dân!
Sự cương quyết từ Bộ Xây dựng trong cuộc họp vừa qua như một động thái mạnh mẽ muốn bịt kín kẽ hở, siết chặt kỷ cương trong công tác xử lý công trình sai phạm. Đã tới lúc cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý và chính quyền địa phương để có thể xử lý dứt điểm các vi phạm. Trong khi chờ sự điều chỉnh thống nhất về khuôn khổ pháp lý, lực lượng thanh tra chuyên ngành cần chủ động và tăng cường có các kế hoạch phối kết hợp với chính quyền địa phương mở các đợt cao điểm về thanh, kiểm tra cùng thống nhất các biện pháp xử lý dứt điểm khi phát hiện sai phạm. Trước mắt, để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong xử lý vi phạm, phải nghiên cứu cơ chế cho phép lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện được quyền kiến nghị vượt cấp, phát huy vai trò của chánh thanh tra xây dựng nếu thấy biểu hiện thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương.
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định thêm, đã thực hiện công trình thì phải theo luật, “không thể theo tình cảm hay các yếu tố abcdz”. Quan điểm của Bộ với các dự án không phép là phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục xin phép, nếu không sẽ cưỡng chế phá dỡ. Công trình sai phép thì đối chiếu với giấy phép, trường hợp không thể thay đổi giấy phép, kiên quyết buộc phá dỡ. Tất nhiên, kết quả không đến ngay sau một cuộc họp. Về lâu dài, người dân - đại diện tối cao sẽ giám sát lời khẳng định từ Thứ trưởng hiện thực hóa được bao nhiêu phần trăm!