Theo đó, Bộ GD&ĐT xây dựng cụ thể và công bố công khai kế hoạch bố trí các cụm thi trên các địa bàn tỉnh, TP một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh (TS). Nhất là các cụm thi dành cho những TS không có nguyện vọng học ĐH, CĐ hoặc sẽ tham gia kỳ thi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi. Lưu ý để có dự báo sát thực về các tình huống có thể gây khó khăn trong quá trình tổ chức kỳ thi để chủ động phương án xử lý phù hợp. Bộ GD&ĐT cũng sớm ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn liên quan phục vụ cho kỳ thi từ việc tổ chức coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ, dạy nghề; Khẩn trương hướng dẫn cụ thể về đề thi đáp ứng với yêu cầu kỳ thi để giúp TS có định hướng rõ trong việc ôn luyện và làm quen. Lưu ý có dự báo và giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, bất cập phát sinh trong việc đi lại của TS và cán bộ coi thi; làm tốt công tác bảo vệ, giám sát vận chuyển, bảo quản; giữ bí mật các đề thi, bài thi.
Đối với các trường ĐH được giao chủ trì tổ chức thi tại các cụm thi liên tỉnh, Thủ tướng chỉ đạo làm tốt việc sao in và bảo mật đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt kết quả và lưu trữ hồ sơ. Các trường ĐH được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở GD&ĐT ở các địa phương tổ chức cụm thi cần chủ động phối hợp trong mọi hoạt động. UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh trong các nhà trường. Tăng cường công tác vận động, tổ chức, cá nhân hỗ trợ các TS là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để TS nào phải bỏ thi vì khó khăn về kinh tế hay đi lại.
Các thí sinh trao đổi bài sau giờ thi môn Địa lý trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: Duy Đàm
|