Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phạm Đình Trạc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tham dự.
Kiên quyết xử lý tham nhũng
Đánh giá về công tác thực hiện Luật PCTN tại Hà Nội trong 10 năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, TP đã chuyển đổi công tác hơn 3.100 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng, xử lý 9 trường hợp về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết 10 năm Phòng chống tham nhũng của TP Hà Nội 15/3/2016
|
Ngoài ra, TP đã tiến hành hơn 3.000 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 2.500 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 1.500 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý gần 2500 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính hơn 200 cá nhân, gần 300 tập thể và chuyển cơ quan điều tra 38 vụ; giải quyết gần 24.000 vụ khiếu nại, tố cáo, xử lý trách nhiệm 75 cá nhân có liên quan. Có thể thấy, công tác PCTN đã có bước tiến quan trọng, song vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân...
Đưa cán bộ quan liêu, cửa quyền ra khỏi bộ máy
"Với vị trí là Thủ đô, Hà Nội cần tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực này, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp PCTN, tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị", nhấn mạnh tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Trước hết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát lại và hoàn thiện hệ thống thể chế để làm sao không có hoặc ít tạo kẽ hở hở cho tham nhũng, từ đó sẽ giảm được tham nhũng”.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: PCTN cần có quá trình, do vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngay từ cơ sở “mưa dầm, thấm lâu”. Đồng thời, đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật luật hành chính. "Muốn chống tham nhũng thì bản thân bộ máy hành chính phải siết chặt kỷ cương, không để tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng
|
Cán bộ nào không đáp ứng được công việc, quan liêu cửa quyền thì phải thay thế ngay, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước”, Phó Thủ tướng đề nghị. Đồng thời nhấn mạnh, TP cần tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, tố tụng của các cơ quan chống tham nhũng, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan đoàn thể, MTTQ, báo chí và các tầng lớp Nhân dân.
Xóa bỏ điều kiện nảy sinh tham nhũng
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ngành, các cấp, đơn vị trực thuộc UBND TP quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện các nhiệm vụ về PCTN theo chức năng, nhiệm vụ của mình, lấy phòng ngừa tham nhũng là phương hướng chính, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng phải kịp thời, kiên quyết, triệt để.
Chủ tịch UBND TP cho biết, trong thời gian tới TP sẽ quyết tâm CCHC, góp phần hạn chế, xóa bỏ những điều kiện nảy sinh tham nhũng. Trọng tâm là rà soát lại các quy chế, quy trình trong tất cả các công việc trên cơ sở xây dựng lại chặt chẽ, phân công, phân cấp cụ thể tiến tới giảm các thủ tục. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, các quy trình, các bộ phận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính từ TP tới cơ sở. Mở rộng dân chủ, đa dạng hóa các kênh giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong mỗi hoạt động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị theo quy định của pháp luật, nếu để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan chuyên trách về PCTN cần làm tốt công tác tham mưu và kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi tham nhũng, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50 ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.
Nhân dịp này, UBND TP tặng Bằng khen cho 9 đơn vị, có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PCTN.
Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đinh Trường Thọ:
Không chạy theo nhà đầu tư
Đối với các dự án (DA) theo hình thức hợp đồng BT, các sở, ngành của TP trong quá trình tham mưu cho UBND TP chấp thuận phê duyệt các DA còn tùy tiện chạy theo đề xuất của nhà đầu tư... Thành ủy đã chỉ đạo rà soát lại 152 DA đầu tư BT, ban đầu diện tích đất đối ứng do nhà đầu tư đề xuất lên đến... 24.000ha. Nhưng sau khi kiểm tra, chỉ chấp thuận cho triển khai tiếp 81 DA, trong đó 11 DA giãn tiến độ đến sau năm 2020, diện tích đất đối ứng rút còn 2.400ha, giảm 10 lần. Qua đây, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP xây dựng cơ chế thẩm định, phê duyệt, quản lý các DA theo hình thức hợp đồng BT, BTO, BOT đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật...
Phó giám đốc CATP Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Rào cản phá án Một số vụ án tham nhũng đòi hỏi phải trưng cầu giám định tư pháp. Tuy nhiên, đối với các vụ việc trưng cầu cơ quan thuế, kiểm toán thì công tác giám định kéo dài hoặc không giám định được đối với tài sản là cổ phiếu chứng khoán; giám định chất lượng công trình đòi hỏi kinh phí lớn, thời gian kéo dài mới có thể kết luận được, gây khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Văn Dũng: Khó thu hồi tài sản tham nhũng Công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế, năm 2015 chỉ ước đạt 40 -50%... Nhất là thi hành phát mại, đấu giá một phần tài sản là căn hộ nhà ở, biệt thự, quyền sử dụng đất… Viện KSND TP phấn đấu năm 2016, thu hồi tài sản đạt 60% kế hoạch… |