Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không đồng tình mở rộng đầu mối cơ quan điều tra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/2, tại Phiên họp thứ 35, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức...

Kinhtedothi - Sáng 27/2, tại Phiên họp thứ 35, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự.

Trong đó, việc bổ sung quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã không nhận được ý kiến đồng tình.

Còn nhiều băn khoăn

Các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Công an xã chỉ thực hiện nhiệm vụ theo Pháp lệnh Công an xã, không nên quy định Công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định của dự thảo Luật.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nữa của Dự Luật là quy định cơ quan kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu (tương tự như bộ đội biên phòng, kiểm lâm, cảnh sát biển, hải quan theo pháp luật hiện hành).
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tại phiên họp.  	Ảnh: TTXVN
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, điểm mới này cũng khiến UBTV Quốc hội và  các đại biểu băn khoăn. Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh nêu ý kiến: Nếu mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Dự Luật là không phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, tinh giảm đầu mối cơ quan điều tra, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Hơn nữa, nếu xét về nhu cầu thì còn nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng mong muốn được giao chức năng điều tra. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng: "Nếu lấy lý do là đặc thù, chuyên môn thì nhiều ngành khác cũng có nhu cầu điều tra chứ không phải chỉ mấy ngành trên".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Việc bổ sung cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần "sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ" và được kiểm soát chặt chẽ, có sự phối hợp của các cơ quan điều tra trong một số trường hợp cụ thể cần thiết. Vì vậy, dự thảo Luật cần đưa ra những tiêu chí cơ bản, căn cứ xác đáng về việc thành lập các cục, phòng, đội của Cơ quan cảnh sát điều tra trong Công an Nhân dân ở mỗi cấp, để trên cơ sở đó quy định một cách hợp lý, sát với tình hình thực tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị tiếp thu nghiêm ý kiến của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung giữ nguyên các đầu mối điều tra hình sự, chỉ sắp xếp lại để tinh gọn hơn, tinh thông hơn, đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong quá trình điều tra.

Phải phân định rõ giữa tạm giữ và tạm giam

Chiều cùng ngày, trước khi bế mạc phiên họp thứ 35, UBTV Quốc hội đã thảo luận về Dự Luật Tạm giữ, tạm giam. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phân biệt giữa chế độ tạm giữ và tạm giam, không nên đưa ra những quy định đánh đồng.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nêu ý kiến: Người có hành vi vi phạm hành chính cũng có thể bị tạm giữ. Còn tạm giam là người phạm tội vi phạm pháp luật mới đưa vào nhà tạm giam. Nhưng trong số này, họ vẫn đang có quyền công dân nên phải phân biệt với người đã có án, đã bị tòa tuyên án. Do đó, kỷ luật người bị tạm giam cũng phải phân biệt 2 loại đối tượng: Thứ nhất đối tượng đang bị tiến hành tố tụng nên cần cân nhắc khi xử phạt, vì trong giai đoạn này dễ bị tra tấn, nhục hình. Chưa có bản án kết tội thì kỷ luật không để ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần, bởi theo Hiến pháp trong giai đoạn này họ vẫn có quyền công dân nhưng chỉ bị hạn chế. Thứ hai, đối tượng có bản án kết luận, bị hạn chế quyền công dân nhưng vẫn còn quyền con người. Dự Luật phải minh bạch chỗ này.