Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không được phép để người dân ở vị thế xin - cho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 28/5, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN).

 Luật TNBTCNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 có ý nghĩa quan trọng trong vệc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra. Đồng thời, luật có hiệu lực sẽ  góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, ngoài những kết quả đạt được cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong việc thực thi như chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, thủ tục bồi thường còn phức tạp…

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2012, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 182 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, đã giải quyết được 137 vụ, còn lại 45 vụ việc đang tiếp tục giải quyết với tổng số tiền bồi thường trên 23 tỷ đồng trong 3 lĩnh vực: Quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng.
 
Không được phép để người dân ở vị thế xin - cho - Ảnh 1
 
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
 
Ông Tịnh cũng cho biết, thực tế số lượng vụ việc khiếu nại và yêu cầu bồi thường về quyết định, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong quản lý hành chính không phải là nhỏ, trong khi số vụ việc được giải quyết bồi thường còn hạn chế. Điều này, một mặt là do người bị thiệt hại không hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật nên việc yêu cầu không đúng quy định. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để người bị thiệt hại có căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định.
 
Đánh giá về tác động của Luật TNBTCNN, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, Luật đã tạo cơ chế thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Tuy nhiên, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn cũng vẫn còn những điểm hạn chế như Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 nhưng có những văn bản phục vụ triển khai Luật hai năm sau mới được ban hành.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cũng cho rằng, Luật TNBTCNN chưa quy định rõ ràng về một số điều khoản. Chẳng hạn như trong thực tiễn, vấn đề xác định thiệt hại là vấn đề khó nhất trong việc thực hiện bồi thường, đặc biệt là đối với uy tín và danh dự. Đối với những trường hợp cá nhân đang giữ cương vị lãnh đạo của một doanh nghiệp, tổ chức nhưng bị quy kết sai dẫn đến uy tín cá nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể bị phá sản… thì việc bồi thường phải tính đến cả bồi thường “thực tế xảy ra” và bồi thường “có khả năng xảy ra”. “Vì vậy, việc xác định các nhóm thiệt hại và mức độ thiệt hại như thế nào cũng cần có văn bản hướng dẫn. Hay, về vấn đề trách nhiệm hoàn trả, đối với trường hợp người hoàn trả qua đời thì có xác định vấn đề hoàn trả hay không, chúng ta cũng cần nghiên cứu đưa vào văn bản hướng dẫn”, TS Nguyễn Văn Cường nói.
 
Lý giải về vấn đề này, đại diện Cục Bồi thường Nhà nước cho rằng, lĩnh vực bồi thường Nhà nước là một lĩnh vực mới ngay cả với cán bộ, công chức. Thực tế đa số cán bộ, công chức chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, chỉ thông qua thi hành và thực tế vướng mắc phát sinh mới có thể kiến nghị hướng dẫn cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, sau hơn 3 năm triển khai, công tác thi hành Luật bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn mắc vào bệnh “Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư”, thủ tục giải quyết bồi thường quá phiền hà…. khiến cho hiệu quả của Luật chưa được như mong muốn.
 
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Nhà nước ta đang hướng tới Nhà nước pháp quyền, phục vụ người dân thì công tác bồi thường Nhà nước ngày càng cần được quan tâm. Đặc biệt, khi thực hiện bồi thường cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thì phải bồi thường xứng đáng, không được phép để người dân ở vị thế xin - cho.