Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lo thiếu nguồn cung thịt cho dịp Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá thịt lợn hơi, thịt gà giảm dẫn đến mối lo người chăn nuôi bỏ đàn và thiếu nguồn cung. Song, các chuyên gia ngành Nông nghiệp khẳng định, mức giá hiện nay đủ để nông dân tái đàn và không lo thiếu thịt dịp Tết.

Hiện nay, giá mỗi kg lợn hơi từ 50.000 đồng đến 56.000 đồng, giảm gần 20.000 đồng so với thời điểm giá lập đỉnh hồi tháng 7. Điều này diễn ra trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi và chi phí đầu vào như con giống, tiêm phòng, chuồng trại... vẫn giữ giá khiến nhiều người lo ngại nông dân lãi quá ít thì sẽ bỏ đàn.

Nguy cơ đáng lo ngại hơn còn xảy ra với thịt gà công nghiệp lông trắng và gà thả vườn. Tổng chi phí đầu tư, chăn nuôi cho hai loại gia cầm này lần lượt là 34.000 đồng và 38.000 đồng một kg, nhưng khi cho xuất chuồng, chủ trại chỉ thu được 32.000-34.000 đồng, lỗ từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng cho mỗi cân thịt. Mức giá đó còn thấp hơn ở thời điểm tuần trước, khi chỉ có 24.000 đồng và 27.000 đồng. Trong lúc đó, hơn 85.000 tấn thịt vẫn được nhập khẩu về từ nước ngoài.

Hai loại gà công nghiệp lông trắng và gà thả vườn trên chiếm đến một phần ba tổng lượng thịt gia cầm. Chu kỳ từ khi nuôi đến lúc xuất chuồng là 45-60 ngày, tùy loại. Do vậy, nếu tình trạng chăn nuôi lỗ kéo dài, người chăn nuôi không đủ khả năng tái đầu tư, dẫn đến bỏ đàn thì dẫn đến nguy cơ thiếu thịt cho dịp Tết. "Nếu vất vả làm việc mà không có lãi thì đương nhiên người nông dân sẽ xoay sang công việc khác để cải thiện thu nhập", ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nói.

Tuy nhiên, theo Cục trường cục chăn nuôi, khả năng bỏ đàn của người chăn nuôi là không cao, dù giá thịt hiện nay xuống thấp. Theo ông, chi phí đầu tư cho một con lợn từ 42.000 đồng đến 44.000 đồng mỗi kg. Như vậy, với giá bán ra là 50.000 đồng đến 56.000 đồng, người chăn nuôi vẫn có lãi.

Còn với thịt gà công nghiệp và thả vườn, giá xuất chuồng tuần trước chưa đến 30.000 đồng, nhưng hiện nay đã là 32.000 đồng trở lên. Điều đó cho thấy, từ nay đến Tết, giá gia cầm sẽ nhích dần lên và người chăn nuôi không phải chịu lỗ.

"Ai cũng hiểu từ nay đến cuối năm, nhu cầu về thịt tăng mạnh nên người dân chắc chắn sẽ nuôi. Hơn nữa, giá giống hai loại gia cầm trên đang giảm, từ 24.000-25.000 đồng xuống chỉ còn 14.000 và 15.000 đồng", ông Hoàng Kim Giao cung cấp.
 
Đồng quan điểm như vậy, ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho rằng với giá thịt lợn hơi như hiện nay, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có lợi nên cần duy trì. Theo ông Vang, giá cả như thời điểm tháng 7, người nuôi lãi quá nhiều, còn người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Với giá mỗi cân thịt lợn như trên, người nông dẫn vẫn lãi đến 15%, người mua cũng có thể chấp nhận được.

Chuyên gia này không cho rằng nhập khẩu thịt là nguyên do khiến giá một số thịt gia cầm giảm trong thời gian qua. Ông Nguyễn Đăng Vang cung cấp, 9 tháng đầu năm 2011, tổng lượng thịt nhập về là 85.429 tấn, trong đó thịt gia cầm là 71.049 tấn, thịt lợn chiếm 6.002 tấn, còn lại là các loại thịt khác. Thời gian này, cả nước sản xuất 3,3 triệu tấn thịt. "Số thịt nhập về chỉ chiếm gần 3,4%, còn 96,6% sử dụng nguồn cung trong nước nên không thể nói giá trên thị trường giảm là do nhập khẩu", ông Vang nói.

Vị chuyên gia này cung cấp thêm, cả nước hiện có 233 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó 176 đơn vị của Việt Nam, 41 xí nghiệp nước ngoài và 16 công ty liên doanh. Các doanh nghiệp đó cạnh tranh với nhau, trên thực tế, họ cũng chỉ lãi được từ 3% đến 5% trên tổng doanh thu nên giá thức ăn chăn nuôi không thể coi là đắt. "Với giá bán 50.000 đồng đến 56.000 đồng một kg lợn hơi và 90.000-120.000 đồng mỗi yến thức ăn chăn nuôi thì người nông dẫn vẫn có lãi và đủ khả năng tái đàn", ông Nguyễn Đăng Vang khẳng định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dịp Tết có thiếu thịt hay không phụ thuộc chính vào yếu tố dịch bệnh. "Nếu khống chế được dịch bệnh thì người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có thể yên tâm. Nhu cầu thịt dịp cuối năm cao, chắc chắn người nuôi sẽ có lãi. Điều quan trọng là phải tiêm phòng đầy đủ, giữ sạch sẽ chuồng trại để không xảy ra dịch bệnh", Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Kim Giao khuyến cáo.