Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Luật Giáo dục Đại học là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục đại học, cụ thể hóa các quy định khung của Luật Giáo dục về lĩnh vực này. Báo cáo về dự án Luật Giáo dục Đại học, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, mục đich của Luật là thể chế hóa các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đào tạo; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục địa học và đổi mới quản lý của cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục đại học và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục địa học phù hợp với năng lực quản lý, năng lực tổ chức hoạt động giáo dục và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn đầu tư của xã hội đối vớ giáo dục đại học. Một số nội dung đáng chú ý của Luật này là đã đề cập đến những vấn đề nóng của giáo dục đại học hiện nay như phân tầng các trường đại học, quy định về việc cấp bằng cho sinh viên và giá trị bằng cấp, vấn đề tự chủ (trong tuyển sinh, đào tạo, tài chính…), hội đồng trường, đại học vì lợi nhuận và phi lợi nhuận… Theo đó, trong tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng của mình. Đặc biệt, trường đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Luật quy định khuyến khích các trường hoạt động không vì lợi nhuận. Với các trường hoạt động vì lợi nhuận, sẽ bị đánh thuế trên phần phân phối chia cho các nhà đầu tư. Luật cũng quy định cấm mọi hành vi “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi”. Trả lời phóng viên về việc phân biệt giữa hành vi “vụ lợi” và “vì lợi nhuận”, ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban soạn thảo dự án Luật, cho biết, khái niệm “vụ lợi” được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng, là những hành động có tính chất tham nhũng, khác với việc “vì lợi nhuận” trong đầu tư. Hội đồng trường cũng là một nội dung được nhiều người đặt câu hỏi khi về vai trò, tổ chức này nhằm cân bằng quyền lực với ban giám hiệu, nhưng Luật Giáo dục Đại học lại quy định chủ tịch hội đồng quản trị là giám đốc hoặc hiệu trưởng. Điều này khiến dư luận lo ngại hoạt động của hội đồng trường sẽ không hiệu quả và xảy ra tình trạng “vừa đánh trống vừa thổi còi”. Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hiện mới chỉ có 10 trên tổng số hơn 400 trường đại học, cao đẳng của cả nước có hội đồng trường. Quy định về việc phải thành lập hội đồng trường chưa đi vào cuộc sống. Một trong các nguyên nhân là trước đây, quy định giám đốc hay hiệu trưởng không được tham gia vào hội đồng trường. Vì thế, Luật Giáo dục Đại học quy định cụ thể về chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng hoặc giám đốc trường. “Tuy nhiên, hiệu trưởng hay giám đốc cũng chỉ có một lá phiếu trong các quyết sách của hội đồng trường và chịu sự giám sát của tổ chức này. Do đó, sẽ không có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi như lo ngại,” ông Ga khẳng định. Nội dung được phóng viên quan tâm nhất là vấn đề tuyển sinh. Câu hỏi đặt ra là sau khi Luật ra đời, việc tuyển sinh sẽ có gì khác với kỳ thi tuyển sinh “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả) vốn được đánh giá là đã “hết vai trò lịch sử”? Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi, hiện nay tuyển sinh theo phương thức “ba chung”, có xét tuyển, thi tuyển, kết hợp xét và thi. Luật Giáo dục Đại học quy định giao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Sau khi Luật ra đời, sẽ có lộ trình để giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Trước mắt, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh “ba chung” trong các năm tới nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào của các trường. Ông Khôi cho rằng, tự chủ thì mới có được sự năng động, sáng tạo của các trường. Được giao tự chủ các trường được quyền quyết định trong mọi việc. Nhưng tự chủ phải đi kèm trách nhiệm, đi liền với việc thực hiện các quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi tự chủ, các trường sẽ phải chịu sự kiểm định chất lượng, phải công khai các kết quả kiểm định. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, trong bối cảnh hệ thốn giáo dục địa học của nước ta hiện nay chưa đồng đều, có những trường đã có bề dạy kinh nghiệm lâu năm nhưng có những trường mới thành lập, đội ngũ cán bộ giảng dạy còn mỏng và quản lý chưa vững vàng. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường là không đồng loạt mà có lộ trình, đồng thời, nếu cơ sở giáo dục đaicj học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm trong các hoạt động đã giao thì quyền tự chủ cũng bị thu hồi. Ông Ga cũng khẳng định, Luật sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các trường. Sự khác biệt giữa tư thục và công lập chỉ là vốn đầu tư, công lập là do Nhà nước đầu tư, còn tư thục thì do cá nhân, tổ chức đầu tư. Luật sẽ cố gắng đến mức cao nhất để không có sự phân biệt giữa hai hệ này. “Luật Giáo dục Đại học sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học,” ông Ga nói./.