Không mất cảnh giác với dịch tả châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phối hợp cùng Hội Thú y Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức Bệnh dịch tả lợn châu Phi và các giải pháp phòng, chống.

Tại Hội thảo, TS. Phan Quang Minh, trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, theo thông báo của OIE và FAO từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lợn tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi hơn 5,4 triệu con. Hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trong khu vực như: Indonexia, Philippin… tại Trung Quốc có 17 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 9 đơn vị hành chính.
Tại nước ta, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra 1.008 ổ dịch tại 248 huyện thuộc 44 tỉn, TP. Tổng số lợn tiêu hủy là 43.150 con, tổng trọng lượng khoảng 2.157 tấn. Để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh (do hiện cả nước có 195 xã thuộc 72 huyện của 23 tỉnh, TP có dịch chưa qua 21 ngày), theo ông Phan Quang Minh, nước ta cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và phối hợp với Hoa Kỳ nghiên cứu, sản xuất vắc xin và hệ sinh thái phòng dịch.
 Toàn cảnh buổi hội thảo
Riêng tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong năm 2020 dịch tả lợn châu Phi đã tái phát và xảy ra nhỏ lẻ tại một số huyện như Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì... Gần đây nhất là từ ngày 1/9 đến nay, trên địa bàn TP tiếp tục xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi tại 2 huyện Chương Mỹ và Đông Anh, làm chết và tiêu hủy trên 60 con lợn, với trọng lượng trên 1.500kg.
Mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT, UBND TP và các cấp ngành dọc, hệ thống thú y được kiện toàn tới tận xã, phường, thị trấn và thôn bản giúp cho việc giám sát dịch bệnh, thực hiện các hoạt động chuyên môn được thuận lợi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến phát triển chăn nuôi trong vấn đề nhập giống, thức ăn chăn nuôi và biến động về giá cả thị trường. Cộng với nguy cơ bùng phát bệnh trên đàn gia súc, gia cầm quá cao như Cúm lợn, cúm gia cầm, dại, bệnh mới...; đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi do không có vắc xin, không thuốc đặc trị nên khó kiểm soát, nguy cơ tái dịch cao.
Vì vậy, để phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm quy mô lớn ngoài khu dân cư; theo hướng sinh học, hữu cơ và chăn nuôi gắn với môi trường. Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố. Phối hợp tốt các sở, ngành, UBND các cấp đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; hợp tác với các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý giết mổ. Có lộ trình và giải pháp đưa các hộ chăn nuôi, giết mô nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.