Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang, nhìn chung hoạt động VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội năm nay đạt kết quả tích cực, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân. Tính đến tháng 11/2016, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Thủ đô gồm 97 tuyến, trong đó 73 tuyến buýt có trợ giá, 11 tuyến buýt không trợ giá, 9 tuyến buýt kế cận, 4 tuyến thí điểm. Dự kiến sản lượng vận chuyển các tuyến buýt trợ giá đạt 395,7 triệu lượt hành khách, tăng 0,1% so với kế hoạch, giảm 8% so với cùng kỳ.
Về phương hướng VTHKCC bằng xe buýt năm 2017, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định hoạt động này sẽ hướng tới tiếp tục tăng cường năng lực vận chuyển, chất lượng phục vụ của mạng lưới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách bằng xe buýt… Theo đó, 3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 được Sở GTVT xác định là sẽ phát triển và cải thiện mạng lưới, tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường công tác quản lý. Trong đó, năm tới sẽ điều chỉnh dịch vụ cho 33 tuyến, đưa vào vận hành tuyến BRT (tuyến buýt nhanh) và 14 tuyến buýt mới, đưa tổng số tuyến trong toàn mạng lên 115 tuyến.
Cùng về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, Tổng Công ty sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện trình TP phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; hoàn tất các thủ tục và điều kiện cần thiết để triển khai đưa 4 tuyến xe buýt mới vào hoạt động trong tháng 12 theo chỉ đạo của UBND TP: Nhổn-Tây Đằng, Yên Nghĩa-Phú Túc, Yên Nghĩa-Sơn Tây, Kim Mã-Nội Bài.Cũng đề cập đến mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng xe buýt, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang chia sẻ: Sở đang định hướng phát triển VTHKCC bằng xe buýt tập trung mạnh nhất trong giai đoạn 2016-2020, hướng tới thuận tiện, an toàn, thân thiện, thời gian và chi phí đi lại hợp lý. Về sự thuận tiện, Sở chủ trương rằng hành khách ở bất kỳ đâu trên địa bàn TP đều sử dụng được VTHKCC, đi bộ chỉ từ 300-500m là đến điểm tiếp cận với xe buýt. Năm 2016 bắt đầu đã thực hiện mục tiêu này. Về an toàn, hướng tới vị trí điểm dừng đỗ cũng như điểm cuối phải an toàn, và an toàn cho khách khi ở trên xe… Cần huy động tổng lực của cả hệ thống chính trị chứ không riêng Sở GTVT hay Công an TP làm được. Thứ ba, Sở phấn đấu thân thiện ngay từ hình thức của xe buýt, gồm màu sắc, có kèm theo thương hiệu xe buýt; thân thiện ở sự thoải mái trong dịch vụ trên xe (thông tin hành khách, chất lượng của nhân viên, tài xế…). Nếu xe buýt không đạt được tiêu chí thời gian đi lại hợp lý thì người dân rất khó sử dụng phương tiện này, song trong điều kiện giao thông khó khăn hiện nay, Sở đang đề xuất TP phải ưu tiên cho xe buýt. Theo khảo sát thị trường, điều kiện về thời gian là lý do lớn nhất để hành khách chọn phương tiện này, nên bằng mọi cách cần ưu tiên cho xe buýt. Sở cũng đang tính toán mở rộng ra các loại hình xe buýt cho công nhân, du lịch…Trong tổng số 1.400 xe buýt hiện nay, từ nay đến năm 2020 sẽ phải thay thế và phát triển mới 1.200 xe, theo đó đến 2025 sẽ từng bước thay thế hết những xe buýt không bảo đảm chất lượng phục vụ. Để ưu tiên cho tuyến buýt nhanh vận hành, sẽ từng bước hạn chế taxi và xe tải. Theo chỉ đạo của TP, ngày 15/12/2016 sẽ vận hành thử tuyến buýt nhanh. Sở đã tính toán điều chỉnh mạng lưới giao thông để ưu tiên khách cho xe buýt nhanh, giải tỏa khách ở các điểm đỗ, dừng để ưu tiên cho xe buýt nhanh. Tinh thần là ưu tiên hoàn toàn hành khách cho BRT, để loại hình giao thông này thực sự đi vào cuộc sống. “Xe buýt là loại hình VTHKCC được TP xác định sẽ là phương tiện chủ lực, nhưng nếu không đổi mới nâng cao chất lượng thì chắc chắn sẽ không thu hút được khách hàng”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang khẳng định.
Phát biểu tại buổi giao ban báo chí, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà nhấn mạnh: Trong tình hình giao thông Thủ đô đang đối mặt nhiều thách thức, mà nổi bật là tình trạng gia tăng phương tiện cá nhân dẫn tới gia tăng áp lực giao thông và ùn tắc giao thông, VTHKCC bằng xe buýt đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và được Thành phố xác định là hướng đi bền vững trong giải quyết các vấn đề giao thông đô thị.
Vì vậy, các cơ quan báo chí truyền thông cần nhận thức rõ tầm quan trọng của phương tiện vận tải này trong giải bài toán giao thông cho Thủ đô, từ đó có những tin bài tuyên truyền đúng mức, kịp thời tới người dân về sự phát triển nhanh chóng cả về mạng lưới, phương tiện, hạ tầng, năng lực vận chuyển cũng như chất lượng phục vụ của hình thức vận tải này trong thời gian gần đây. Điều này nhằm góp phần hình thành thói quen đi xe buýt trong cộng đồng.