Cái gọi là "gọi dạ, bảo vâng" với trẻ bây giờ dường như bị lãng quên. Nhưng chính nghi lễ, phép tắc của lời chào, lời xin lỗi, cảm ơn cũng bị nhiều bậc làm cha, làm mẹ xem nhẹ.Nhiều người biện minh cho hành động ấy rằng, trẻ còn bé, không biết gì, nên khi trẻ có thái độ thiếu lễ phép, thậm chí hỗn với người lớn thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn. Nếu có, cũng luôn dùng những lời như "con phải…" hoặc quát, đánh.
Nhưng đó là cách dạy dễ dẫn đến những sai lầm, bởi nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, cần thiết phải dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp lễ phép, cư xử lịch sự ngay từ bé, bởi từ đó sẽ hình thành đức tính tốt sau này. Đơn giản, cha mẹ hãy dạy bé biết nói "dạ, thưa" mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, vừa lễ phép lại vừa dễ nhớ như "dạ có, dạ không…".
Ban đầu, nên dạy con biết khoanh tay và chào hỏi người lớn khi đưa bé đến chơi nhà ai đó. Sau đó, theo lứa tuổi và khả năng nhận thức mà cha mẹ hướng dẫn trẻ những bài học khác. Điều quan trọng hơn cả, cha mẹ cần chú ý đến thái độ của chính mình khi trò chuyện hoặc trong cách ứng xử với trẻ. Khi trẻ chưa ngoan, cần nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng.
Nếu bị la mắng nặng lời, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và lần sau không dám tái phạm vì sợ bị mắng chứ không phải trẻ vâng lời vì tôn trọng cha mẹ.Muốn trẻ có thái độ lễ phép, trước hết cha mẹ cần làm gương, xưng hô lễ phép với bề trên, giữ đúng nền nếp gia đình. Đó chính là những ấn tượng tốt và tạo thói quen cho trẻ học tập theo.
iệc chào hỏi, lễ phép trong ăn nói, tưởng như là việc rất nhỏ nhưng không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua và nên kiên trì dạy con, làm sao cho quá trình giáo dục con không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do nào. Giống như mưa dầm thấm lâu, chính cái sự lễ phép từ ngày thơ dại trong gia đình ấy sẽ cho ra đời những người biết cư xử có văn hóa trong xã hội sau này.