Thông điệp này được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí thông báo báo cáo Phát triển con người khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện chiều 27/4.
Ảnh minh họa.
|
Báo cáo phân loại các nước theo 3 nhóm là giai đoạn đầu (tuổi trung vị dưới 23), giai đoạn giữa (tuổi trung vị từ 23 - 35) và giai đoạn tiên tiến (tuổi trung vị trên 35). Việt Nam đứng ở giữa nhưng lại đứng sau 13 nước (Nepal, Campuchia, Philipin, Malaysia....) và chỉ trên 3 nước (Brunei Darussalam, Sri Lanka, Triều Tiên). Vì thế thông điệp của UNDP là Việt Nam cần phải tận dụng những năm cuối của giai đoạn giữa - tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao - để tạo ra lợi ích kinh tế. Cụ thể, cần lồng ghép nhiều hơn vấn đề dân số vào các kế hoạch quốc gia, đặc biệt trong các kế hoạch sắp tới.
Ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi này. Đó là dựa trên các bài học chính sách từ giai đoạn giữa và ước đoán thời kỳ tiếp theo để tập trung vào năng suất làm việc bền vững; chuyển đổi công nghệ, kỹ năng, đồng thời giải quyết y tế và giáo dục một cách rộng rãi. Cùng với đó là huy động tiết kiệm và đầu tư vào các ngành sản xuất; đảm bảo công bằng giới trên thị trường lao động cũng như thúc đẩy an sinh xã hội để có nhiều người được hưởng lương hưu khi tuổi cao. Ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh việc khai thác lực lượng lao động ở đô thị, làm sao để đây là nơi đáng sống cũng như cơ hội tốt cho người dân Việt Nam.
Trước lo lắng của báo giới khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số sẽ có tác động không tốt đến nền kinh tế, ông Lê Bạch Dương - Trưởng phòng Dân số và Phát triển Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho rằng không nên coi đây là vấn đề tiêu cực. Chúng ta tạo cơ hội cho họ để được già hóa một cách tích cực. Bởi, người già là cái kho về kiến thức, cầu nối văn hóa giữa các thế hệ. Ngoài ra, những nước đi trước đã tận dụng rất tốt lực lượng lao động ở độ tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn Nhật Bản đề ra chính sách thị trường lao động mở, có tính linh hoạt cao để người cao tuổi có thể đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, những người già cũng đòi hỏi nhiều dịch vụ. Việc này tạo cơ hội để khu vực kinh tế có thể đáp ứng. “Tóm lại, chúng ta phải biết tận dụng lợi thế của già hóa dân số bằng cách chính sách về văn hóa, xã hội, kinh tế,...” - ông Dương nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang - Giám đốc Quốc gia Chương trình định cư con người Liên hợp quốc: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng và sẽ nhanh chóng chuyển sang già hóa. Vì thế, cần có chiến lược dưới hai góc độ là tận dụng nguồn dân số này và làm sao để đảm bảo hệ thống phúc lợi xã hội trợ giúp cho họ. “Chúng ta đang có xu hướng đổi mới sáng tạo, động viên DN trẻ khởi nghiệp, đầu tư tiết kiệm, tăng khả năng của thị trường và đô thị hóa. Đối với giới trẻ, đây là đầu tư để họ có cơ hội tốt hơn... Đối với người già, chúng ta phải tận dụng kiến thức của họ trogn hoạt động kinh tế để mang lại hiệu quả cao” - ông Nguyễn Quang nhấn mạnh.