Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên “cứng hóa” hòa giải ở cơ sở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 16/8, tại phiên họp thứ 10, lần đầu tiên UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật hòa giải cơ sở. Tại đây một vấn đề được đặt ra là nên hay không nên ban hành dự án luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sau 13 năm thi hành, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hệ thống văn bản quy phạm, chưa thu hút, khuyến khích mọi người tham gia. Dự thảo Luật lần này quy định về hòa giải cơ sở với tính chất nhân dân tự tổ chức hòa giải với nhau, nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTVQH băn khoăn liệu đã thật sự cần thiết ban hành Luật hay chưa?

Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại cho rằng, cần ban hành Luật hòa giải cơ sở. Bởi qua thực tế, công tác hòa giải cơ sở có vai trò xã hội to lớn góp phần củng cố trật tự xã hội rất tốt. Tuy nhiên, dự án Luật không nên thể hiện nặng về vấn đề thủ tục, trình tự hành chính, đọc dự án Luật có cảm giác gò bó. Đây là hoạt động mang tính tự nguyện nên những quy định mang tính mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Không nên “cứng hóa” hòa giải ở cơ sở - Ảnh 1
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến về dự án Luật hòa giải cơ sở. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Qua thực tiễn cho thấy nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ được hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở như hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản… Do đó, nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật cần quan tâm, bổ sung một số quy định, tạo cơ chế để có sự phối hợp hiệu quả giữa tổ hòa giải, hòa giải viên với các hình thức khác trên địa bàn dân cư.
 

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ 2011-2015 và một số vấn đề về công tác xây dựng ngành.