Xếp hạng theo tỉ lệ phần trăm
Dự thảo lần 1 nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH vừa được Bộ GD&ĐT thông báo, quy định khung xếp hạng bao gồm 5 hạng (hạng 1, 2, 3, 4, 5). Các hạng được tính theo phần % trong số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm, làm tròn số. Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở giáo dục có kết quả cao nhất. Tương tự, hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% sau hạng 3; hạng 5 là 10% sau hạng 4.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thì đây là cách làm ngược! Làm sao định ra được tỷ lệ phần trăm để xếp hạng các trường? Đáng lẽ từng hạng phải có những tiêu chí rất cụ thể, trường nào đạt được các tiêu chí nhóm 1 thì được xếp hạng 1, trường đạt các tiêu chí nhóm 2 thì hạng 2…Nếu tất cả các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt các tiêu chí ở nhóm 1 thì đáng khuyến khích, ngược lại, có thể tất cả các trường bị xếp hạng thấp nhất cũng đành phải chấp nhận. Cách phân hạng cũng nhằm mục đích giúp các trường phấn đấu lọt vào top hạng trên.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|
Cùng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định, việc xếp hạng theo phân bố chuẩn phần trăm là tư duy máy móc! Cách làm đúng phải là trường được xếp hạng nào phải đạt được đủ các tiêu chí ở hạng ấy. Tất nhiên, trước khi các trường được xếp hạng đều phải được kiểm định chất lượng giáo dục.
Không nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Xếp hạng các trường là việc làm rất cần thiết nhưng cũng là vấn đề phức tạp và không dễ thực hiện. Bởi thế, nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị Bộ GD&ĐT không nên hành chính hóa việc xếp hạng.
GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Bộ chỉ nên đưa ra những tiêu chí cụ thể cho từng hạng và “bật đèn xanh” cho phép một số cơ sở nào đó xếp hạng các trường. Khi ấy, Bộ làm công việc theo dõi, hướng dẫn cách làm. Dự thảo qui định, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng công nhận xếp hạng các trường ĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định công nhận xếp hạng các trường CĐ là rất nguy hiểm!”.
Còn GS Lâm Quang Thiệp đề nghị việc xếp hạng nên làm theo xu hướng thế giới, là có các tạp chí hay trường ĐH đứng ra xếp hạng các trường theo số thứ tự từ trên xuống dưới. Đương nhiên, từng trường được các tổ chức xếp hạng sẽ có kết quả không giống nhau. Và, những kết quả được công bố chỉ là cơ sở để mọi người tham khảo.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị Bộ nên điều chỉnh lại một số tiêu chí đặt ra khi phân tầng, xếp hạng các trường. Bởi nhiều tiêu chí quá xa vời và khó thực hiện. Chẳng hạn, ở tiêu chí xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu quy định có ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ; đào tạo và cấp bằng ít nhất 50 tiến sĩ/năm. “Quy định 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ là quá cao, làm sao các trường đào tạo được 50 tiến sĩ mỗi năm, trong khi mỗi GS, PGS chỉ được phép hướng dẫn nghiên cứu cho 2 người trong suốt quá trình từ khi bắt đầu đến khi gần hoàn thành? Bộ nên đặt ra các tiêu chí xếp hạng phù hợp với thế giới và thực tế điều kiện của Việt Nam để người ta phấn đấu”, PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Về thời gian thực hiện, lãnh đạo một số trường ĐH đề nghị Bộ GD&ĐT rút ngắn lại để các trường phấn đấu lên mức cao hơn, thay vì theo giai đoạn 10 năm đối với việc phân tầng và 2 năm đối với xếp hạng.