Đánh giá về tình trạng MCBGTKS, ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế nhận định, mất cân bằng ở Việt Nam diễn ra muộn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, chênh lệch trẻ trai/trẻ gái tăng cao ở nhóm gia đình có kinh tế khá giả, phụ nữ có học vấn cao. Cụ thể, ở nhóm dân số nghèo nhất, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái là 105/100, nhóm giàu, tỷ lệ này là 112/100 (chủ yếu rơi vào lần sinh thứ 3).
Kiểm soát hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh Duy Khánh
Đề cập đến hệ quả của MCBGTKS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nếu không can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng MCBGTKS thì tỷ số giới tính khi sinh của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu dự báo, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn. Tình trạng này sẽ dẫn tới các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Ưu tiên và xử phạt nghiêm
Sáng 25/12, Bộ Y tế đã mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12 với chủ đề "Kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước". Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên tất cả các mặt, quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyền truyền, tập trung và ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo nhằm thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân để từng bước hạn chế tình trạng MCBGTKS. |
Để kiểm soát việc MCBGTKS cần áp dụng các giải pháp như ưu tiên nữ giới, các gia đình sinh con một bề là nữ. Đó chính là nội dung quan trọng trong Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2012 - 2020 mà Bộ Y tế đang trình Thủ tướng phê duyệt. Ông Trọng nhấn mạnh: Muốn thực hiện được việc giảm mất cân bằng, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt. Cụ thể, ưu đãi các em gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm...
Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cũng xác định, cần tăng cường việc xử phạt nghiêm các cơ sở siêu âm, xét nghiệm giới tính. Theo Điều 9 của Nghị định số 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi thông qua việc siêu âm, xét nghiệm máu, gene, tế bào... sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên, 6 năm đã đi qua, số cơ sở bị phạt rất ít. Và trên thực tế, hầu hết thai phụ đều biết giới tính thai nhi sau tháng thứ 3. "Năm 1996, sau khi Thủ đô Seoul có 8 bác sĩ bị kỷ luật vì tiết lộ giới tính cho thai phụ trước sinh thì ngay năm sau, tình trạng chênh lệch giới tính của Hàn Quốc đã giảm rõ rệt từ 117 bé trai/100 bé gái giảm xuống còn 113 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy, luật nghiêm rõ ràng đã có tác động. Vậy nhưng, Việt Nam chưa làm được điều đó" - ông Trọng bày tỏ.