Không sớm điều chỉnh, sân bay Nội Bài sẽ quá tải như Tân Sơn Nhất

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng cho rằng, cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài, nếu chậm sẽ tái hiện tình trạng quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 6/4, tại Trụ sở UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, phát triển hạ tầng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Giảm ùn tắc giao thông
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong thời gian qua được sự quan tâm của Chính phủ, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đầu tư, phát triển hệ thống giao thông vận tải Thủ Đô nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị 
Về hạ tầng giao thông TP đã và đang đầu tư nhiều tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn. Công tác quản lý hoạt động vận tải từng bước đi vào nề nếp theo hướng công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả hơn. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt với 6 nhóm giải pháp để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, kết quả: Số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP giảm từ 124 điểm năm 2010 xuống còn 37 điểm năm 2017; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tại Hội nghị, Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ cho việc thực hiện Luật Đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/7/2018; Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để loại bỏ các xe hết niên hạn sử dụng và ngăn chặn xe hết hạn kiểm định nhưng vẫn tham gia giao thông…

UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Chủ đầu tư, Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông); đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) vào cuối năm 2018.

Đối với các tuyến đường sắt đô thị do TP Hà Nội đầu tư: Tiếp tục thống nhất, đồng thuận với TP về các cơ chế, giải pháp thực hiện các dự án liên quan đến hạ tầng đường sắt đô thị đã được UBND TP đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tại báo cáo số 161/BC-UBND ngày 20/6/2017 về đường sắt đô thị.

Thống nhất với TP đối với các nội dung đề nghị Chủ tịch nước và Chính Phủ cho phép điều chỉnh Hiệp định vay và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Thống nhất với TP trình Thủ tướng Chính Phủ để thực hiện các thủ tục đưa ra Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Thống nhất với TP trình Thủ tướng Chính Phủ để thực hiện các thủ tục đưa ra Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội: tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình); tuyến số đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc); tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) và việc áp dụng cơ chế đặc thù để tạo nguồn vốn thực hiện dự án (đã được UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình số 27/TTr-UBND ngày 28/3/2018).

Kiến nghị đưa Luật Giao thông đường bộ vào dạy ở trung học phổ thông

Tại Hội nghị, giải đáp kiến nghị về việc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay còn 426 hộ, trong đó hơn 100 ki-ốt chưa bàn giao mặt bằng, do còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Thời gian tới, sớm nhất đến 30/8, TP sẽ bàn giao hết mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.
Nêu vấn đề các bến xe của Hà Nội đều đang quá tải, có tình trạng xe dù, bến cóc, xe đi lòng vòng đón khách gây bức xúc… Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng tình với đề xuất lắp camera theo dõi và mong muốn Bộ GTVT sớm báo cáo Chính phủ để đưa các xe kinh doanh vận tải hành khách được quản lý bằng cách lắp riêng biển vàng. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý, xử lý các vi phạm.

Liên quan đến các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đề xuất kết hợp mô hình đầu tư PPP với một phần vốn ngân sách. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, không vay vốn ODA tránh tăng nợ công của Chính phủ và phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài. TP cũng đề xuất phương án vốn từ 5 nguồn của TP như tiết kiệm chi thường xuyên; trích từ vượt thu ngân sách; tiền cổ phần hóa các DN trên địa bàn TP; TP xin một số cơ chế đấu giá quỹ đất đặc thù của TP; phát hành trái phiếu của TP...

Về đề quản lý xe máy, ô tô liên quan đến tiêu chuẩn khí thải, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP đang triển khai dự án kêu gọi xã hội hóa đầu tư trạm quan trắc về ô nhiễm không khí, từ đó có căn cứ khoa học để tuyên truyền cho người dân và lập căn cứ khoa học cho chương trình này.

Để giảm ùn tắc giao thông, TP có lộ trình từ nay đến 2030, trong đó thực hiện cả 3 việc gồm: Đầu tư vào hạ tầng giao thông; giải pháp chống ùn tắc giao thông và các giải pháp tuyên truyền.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu việc ở nước ngoài, học sinh đến 18 tuổi đã có bằng lái xe ô tô trong khi học sinh Hà Nội hầu như chưa được học Luật Giao thông đường bộ, Hà Nội mong muốn Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa chương trình học Luật Giao thông đường bộ vào bậc học phổ thông, khi học hết lớp 12, các em có giấy phép lái xe máy và ô tô…

Nêu vấn đề, theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có vận chuyển hàng không, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, Bộ GTVT sớm có quy hoạch hàng không, bởi nếu không làm sớm, sân bay Nội Bài sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc giống như sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.

“Quy hoạch sân bay Nội Bài không thể chậm hơn được nữa”
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng tình với các kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đề nghị các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội giải quyết.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, sân bay Nội Bài là sân bay của Thủ đô - trung tâm của cả nước. Đây là sân bay có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, cần đầu tư đảm bảo đúng tính chất quan trọng của nó.

“Quy hoạch sân bay Nội Bài không thể chậm hơn được nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và đề nghị Cục Hàng không khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, nếu để kéo dài sẽ quá tải giống như sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, lưu ý, không chỉ tính đến tầm nhìn 2030 mà phải xa hơn nữa, quy mô hành khách tính toán 100 - 120 triệu hành khách/năm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, cuối năm 2018 này, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thương mại. Vấn đề vận hành như thế nào, sắp tới là ứng xử với các sự cố kỹ thuật ra sao?… Nếu không được tập huấn, không có sự chuẩn bị tốt chắc chắn khó khăn khi vận hành. Theo chỉ đạo của Chính phủ , TP Hà Nội sau này sẽ vận hành, do đó đây là công tác phối hợp hết sức quan trọng, nếu vận hành tốt sẽ tạo cơ sở cho giai đoạn sau và phát triển hệ thống đường sắt khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần