Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể chậm trễ

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.

Thực tế, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, hậu quả do cháy nổ thời gian qua với những thương vong về người và tài sản khiến người dân bàng hoàng, lo lắng.

Tính đến ngày 15/10/2023, trên địa bàn TP Hà Nội có 2.955 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực… Tuy nhiên, tiến độ việc triển khai thực hiện khắc phục của các đơn vị rất chậm, chưa bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra.

Trước đó, ngày 20/9, Bí thư Thành ủy đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”… Và mới đây, UBND TP Hà Nội có Văn bản 3832/UBND-NC về việc phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn.

Qua đó cho thấy, trong công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Thế nhưng, theo báo cáo thì kết quả khắc phục vi phạm đến nay mới chỉ có 2 đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu ít nhất 30% cơ sở trên địa bàn hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC (cả 2 đơn vị đều chưa xác nhận việc hoàn thành khắc phục các nội dung tồn tại của cơ sở theo quy định); còn lại 28 đơn vị có tỷ lệ cơ sở khắc phục rất thấp, nhiều quận, huyện đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở nào khắc phục xong các tồn tại về PCCC. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo chậm, không báo cáo kết quả...

Với thông tin trên có thể nói, vấn đề an toàn về PCCC trên địa bàn Thủ đô khiến người dân không thể không hoang mang, lo lắng. Bởi tính mạng, tài sản của người dân sẽ tiếp diễn đối mặt với nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn!

Đánh giá về công tác PCCC, trên nghị trường, đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chủ quan của các vụ cháy là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, DN, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế. Chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC, chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ...

Trên thực tế, tình trạng các cơ sở vi phạm các quy định về PCCC ở Hà Nội diễn ra phổ biến, công tác kiểm tra xử lý còn thiếu kiên quyết, đa số là hướng dẫn kiến nghị. Ngoài ra, một số sở, ban ngành địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm, thẩm quyền xử lý trong việc áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ, khắc phục… trong lĩnh vực PCCC và có tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH…

Rõ ràng, với văn bản chỉ đạo mới, cho thấy sự quyết liệt của UBND TP về việc “chấn chỉnh, kiểm điểm ngay, xử lý làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu” để tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC là cần kíp và không thể chậm trễ hơn! Có như vậy mới tránh được tình trạng “sự đã rồi” mới đi quy trách nhiệm.