Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể đổ lỗi cho quy hoạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/12, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Đô thị Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo Quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các ý kiến tham gia đóng góp, các kinh nghiệm và vấn đề được đưa ra tại hội thảo sẽ được Bộ Xây dựng ghi nhận để phục vụ cho việc hoàn thiện các chính sách có liên quan đến công tác quản lý tại các đô thị.

Thực hiện quy hoạch là… mặt yếu của đô thị

Đánh giá về thực trạng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mặt mạnh và việc đã làm được là tất cả đô thị từ loại 4 trở lên và phần lớn đô thị loại 5 đều có quy hoạch chung. Khung pháp lý cho quản lý đô thị đã hình thành tương đối hoàn chỉnh. Vai trò của thị trường, nhất là thị trường bất động sản ngày càng quan trọng đối với phát triển đô thị. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ở mức cao nhất Đông Nam Á. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2000 mới là 24,2% với 18,7 triệu dân đô thị thì đến năm 2012 tỷ lệ này đã là 32% với 30 triệu người. Số đô thị vào thời điểm cuối năm 2011 là 731 thì đến cuối năm 2012 đã tăng thêm 34 đô thị, đưa tổng số đô thị của toàn quốc lên 765.
  Xây dựng đường Vành đai 3 trên cao phù hợp với quá trình phát triển đô thị Hà Nội.
Xây dựng đường Vành đai 3 trên cao phù hợp với quá trình phát triển đô thị Hà Nội.
Tốt về tốc độ nhưng phát triển đô thị còn có nhiều vấn đề yếu kém, tồn tại đáng lo ngại. Đô thị phát triển chưa theo sát quy hoạch, thiên về bề rộng hơn chú trọng chất lượng; hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ và thường bị quá tải. Quản lý đất đai yếu kém, giá đất đô thị tăng vọt, không phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân. Giá đất đô thị tăng nhanh cũng làm cho chi phí đầu tư phát triển đô thị trở nên quá đắt đỏ. TS Phạm Sỹ Liêm chỉ ra những yếu kém hiện nay là: "Năng lực quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị trong kinh tế thị trường còn nhiều lúng túng, chậm đổi mới, chấp hành pháp luật không nghiêm; bộ máy chính quyền kém tính chuyên nghiệp, còn thể chế quản lý đô thị không khác mấy với quản lý khu vực nông thôn…".

Trong số những mặt tồn tại, bất cập, việc quy hoạch mà chưa rõ nguồn lực đầu tư là vấn đề rất "khó" của đô thị. PGS.TS Đỗ Tú Lan - Bộ Xây dựng phân tích, ý tưởng các đồ án quy hoạch vẫn duy ý chí, là những mong muốn của các nhà lãnh đạo và tư vấn theo hướng hoàn thiện "như ước mơ". Khi ra quyết định phê duyệt một đồ án quy hoạch, thường các nhà lãnh đạo chưa biết nguồn lực để thực hiện quy hoạch sẽ lấy từ đâu ? Ví dụ, khi lập Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, đơn vị tư vấn ước tính cần khoảng 90 tỷ USD để xây dựng hạ tầng khung, song tiền đó sẽ lấy từ nguồn lực nào thì không thể biết được, chỉ biết vẽ ra đó thôi!

Hai mặt của đồng xu

"Quy hoạch đô thị cần tư duy tổng hợp, đây là một việc khó nhưng quản lý đô thị còn khó hơn nhiều. Quản lý tốt chỉ khi có quy hoạch tốt và quy hoạch tốt tạo điều kiện cho quản lý tốt hơn. Quy hoạch và quản lý như hai mặt của một đồng xu không thể tách rời" - PGS.TS Đỗ Tú Lan đánh giá.

Có chuyên gia cho rằng, cần có sự khách quan, không thể mãi đổ lỗi về tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị là bởi thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch treo. TS.KTS Nguyễn Văn Quảng - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia đặt câu hỏi: Tại nhiều đô thị của Việt Nam khi quy hoạch chung đô thị và phần lớn các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, xây dựng không theo quy hoạch đã được hạn chế hoặc giảm thiểu tới mức nào? Câu trả lời là "Không đáng kể!".

Sự biến tướng của quy hoạch đang là một vấn đề nhức nhối. Nhiều địa phương rất hào phóng, cứ đâu có đất trống, ít phải GPMB là "ban phát" cho các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng. Bởi thế đã hình thành nên nhiều dự án ảo, còn các dự án được triển khai thì dường như luôn thiếu sự kết thúc, thiếu sự đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiếu gắn kết với tổng thể đô thị. Sự biến tướng của các dự án đầu tư phát triển đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình, chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở… so với quy hoạch ban đầu cũng khiến ý tưởng không gian kiến trúc trong tổng thể chung đô thị bị chệch hướng.

Thực tế cho thấy, quy hoạch chưa thực hiện được chức năng kiểm soát phát triển đô thị. Bởi vậy, nâng cao chất lượng và quản lý chặt quy hoạch phát triển đô thị đã trở thành cốt lõi của "câu chuyện" tương lai đô thị, tương lai cuộc sống của người dân đô thị.