Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

'Không thể giải quyết cơ bản ùn tắc ở Hà Nội'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Với bất cập trong phát triển dân số và hạ tầng, mọi cố gắng cũng chỉ nhằm giảm thiểu ùn tắc. Những góp ý của người dân về trách nhiệm, vị trí đứng của cảnh sát, chúng tôi xin tiếp thu, chấn chỉnh", Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc Trưởng phòng CSGT Hà Nội trao đổi với báo chí.

KTĐT - "Với bất cập trong phát triển dân số và hạ tầng, mọi cố gắng cũng chỉ nhằm giảm thiểu ùn tắc. Những góp ý của người dân về trách nhiệm, vị trí đứng của cảnh sát, chúng tôi xin tiếp thu, chấn chỉnh", Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc Trưởng phòng CSGT Hà Nội trao đổi với báo chí.

- Từ 25/1 Hà Nội đã được bổ sung 500 học viên cảnh sát để hỗ trợ điều tiết giao thông nhưng tình trạng ùn tắc vẫn nghiêm trọng cả ngày. Ông nói gì về thực trạng này?

- Nghị quyết 16 của Chính phủ quy định hạ tầng giao thông của phải đảm bảo 16-20% đất đô thị. Nhưng tỷ lệ này ở Hà Nội hiện mới đạt khoảng 8%, trong khi đó, lượng phương tiện hằng ngày đăng ký vẫn đang gia tăng. Việc Luật Cư trú có hiệu lực cũng giúp người dân nhập hộ khẩu ở Hà Nội thuận lợi hơn.

Với sự bất cập trong phát triển dân số và hạ tầng nên mọi cố gắng của cảnh sát giao thông cũng chỉ nhằm giảm thiểu chứ không thể giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông. Sự phối hợp giữa công an với các học viện trong ngành là để huy động lực lượng cũng nhằm hạn chế ùn tắc trong dịp Tết.

- Vậy theo ông với tình hình hiện nay, cần bổ sung bao nhiêu quân số cho Phòng CSGT thì mới hạn chế ùn tắc?

- Như tôi đã nói ở trên, số người tham gia và hạ tầng giao thông quá chênh lệch nên không thể nói cần bao nhiêu lực lượng cảnh sát sẽ giải quyết được ùn tắc.

Năm nay liên ngành công an và giao thông đã đề xuất kế hoạch chủ động chống ùn tắc và tai nạn giao thông, phục vụ cho các ngày lễ lớn. Lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức xử lý theo chuyên đề các lỗi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc như xe xích lô, ba bánh tự chế không đăng ký, ôtô dừng đỗ sai quy định trên một số tuyến phố chính... Hy vọng với sự đồng thuận của nhân dân thì công tác chống ùn tắc và tai nạn giao thông trong dịp Tết Canh Dần sẽ khả quan hơn.

- Sau khi rào chắn ngã tư, một số điểm quay đầu xe thường xuyên ùn tắc nhưng không có cảnh sát túc trực. Ông nói sao về điều này?

- Trong năm 2009 liên ngành công an và giao thông đã phối hợp nghiên cứu, tổ chức lại giao thông ở một số tuyến phố. Thời gian đầu, đại đa số mọi người khẳng định có tiến bộ hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, trong quá trình thực hiện có những nút thuận lợi nhưng có những điểm sau một thời gian cần phải điều chỉnh.

Việc này công an thành phố sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải để tiếp tục nghiên cứu, đảm bảo việc đi lại của nhân dân được thuận lợi. Phòng CSGT cũng sẽ căn cứ vào những khu vực, nút giao thông phức tạp bố trí lực lượng điều hành giao thông tại khu vực đó.

Tại các khu vực này sẽ quy định CSGT phải thể hiện hết trách nhiệm, đảm bảo giao thông được thuận lợi. Ở những khu vực CSGT không đảm bảo đủ quân số sẽ phối hợp với các phường, quận để bố trí lực lượng.

- Nhưng thưa ông, điều làm người dân bức xúc là tại một số điểm ùn tắc không có CSGT túc trực, trong khi đó ở những nút thông thoáng CSGT lại đứng sau hệ thống tín hiệu đèn hoặc nấp ở đâu đó rình bắt người vi phạm luật?

- Năm 2009 chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông và tuần tra kiểm soát. Qua tập huấn đã nâng cao được nghiệp vụ, hiệu quả của CSGT. Tuy nhiên, ở bất cứ lực lượng nào, nghề nghiệp nào cũng có những người chưa đáp ứng được công việc.

Những góp ý của người dân, phương tiện thông tin đại chúng về trách nhiệm, hiệu quả, vị trí đứng của cảnh sát... để đảm bảo phù hợp hơn trong công tác điều hành giao thông chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ điều chỉnh. Ở những chỗ thường xuyên ùn tắc chúng tôi sẽ bố trí lực lượng để điều hành giao thông, hạn chế thấp nhất ùn tắc và tai nạn.

- Với tư cách người tham gia giao thông ở Hà Nội, cảm giác của ông thế nào khi đến những điểm ùn tắc mà không có lực lượng CSGT túc trực phân luồng?

- Bất cứ người dân nào tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội đều có thể chứng kiến hoặc bị ảnh hưởng của ùn tắc và tai nạn. Là một người tham gia giao thông đương nhiên cũng có những lúc sinh hoạt của tôi bị ảnh hưởng. Nhưng tôi nghĩ thời gian vừa qua, lực lượng CSGT đã rất nỗ lực và thể hiện trách nhiệm. Còn những gì chưa đáp ứng được, chúng tôi đã biết, xin tiếp thu và chấn chỉnh.

- Trong dịp Tết Canh Dần nếu bắt gặp sự thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu của CSGT khi làm nhiệm vụ, người dân sẽ phản ánh về đâu?

- Chúng tôi rất mong sự góp ý của người tham gia giao thông, mọi người dân để xây dựng lực lượng CSGT trong sạch vững mạnh, có hình ảnh đẹp, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Người tham gia giao thông, người dân khi có ý kiến đều có thể gọi về đường dây nóng của Phòng CSGT: 04.39421445.