Anh nhanh tay định chạy lại làm giúp con, chị vội ngăn lại. “Anh đừng làm cho con vội, hãy hướng dẫn con cách làm thôi”.Anh gạt đi: “Thôi để anh làm cho nó nhanh, rồi còn đi ngủ, hướng dẫn thì đến bao giờ”. “Anh làm thế lần sau làm sao con tự làm được. Hay để em hướng dẫn con cho” - chị nói.
Vừa nói chị vừa đi lại chỗ con gái. Vừa hướng dẫn con làm chị vừa thủ thỉ: Không phải bố mẹ không muốn con được điểm tốt đâu. Nhưng con có thích tự mình làm ra sản phẩm này không, sẽ rất hay đấy. Ngày mẹ còn nhỏ, mẹ cũng hay bắt chước bà đan, móc, khâu túi. Mẹ nhớ mẹ khâu được một cái túi đựng đồ, nhìn rất xấu nhưng bà không hề chê, bà bảo mẹ làm giỏi lắm và vẫn để mẹ mang cái túi ấy đi học. Sau mấy ngày bà mới bảo: “Con giỏi lắm, đã tự làm được túi cho mình. Nhưng cái túi này con mang đi học không hợp lắm, để mẹ đổi cho cái khác”. Thế là mẹ cất cái túi đấy đi làm kỷ niệm và giữ đến tận bây giờ đấy. Cũng nhờ bà khuyết khích mà mẹ tự khâu được những chỗ sứt chỉ ở quần áo của mình, tự biết đan, may quần áo cho búp bê... Và cũng nhờ thế mà giờ mẹ mới biết chút ít về nữ công gia chánh để chăm sóc bố con con đấy. Con có thích như vậy không?.Con gái chị vui lắm, dưới sự hướng dẫn của mẹ, bé đã hoàn thành bài tập của mình. Dù nó không hoàn hảo nhưng bé rất thích vì do chính tay mình làm ra. Anh nhìn hai mẹ con mỉm cười hài lòng. Đúng là bố mẹ không thể lúc nào cũng theo sát để giúp con được, nên tập cho bé cách tự lập ngay từ những việc làm nhỏ nhất.Câu chuyện ấy cho thấy, tính tự lập của trẻ cũng bắt đầu bằng chính cách hành xử của người lớn. Thực tế hiện nay, không ít người lớn lên trong sự cưng chiều quá mức của bố mẹ và đã trở thành người ỷ lại, không thể tự chăm lo cho mình. Hãy tạo cơ hội để cho con biết rằng người lớn có niềm tin vào khả năng của con là điều nhiều người nghĩ tới nhưng không phải ai cũng làm được. Với những trẻ có bố mẹ luôn giúp đỡ làm bài tập hoặc giúp làm những việc lặt vặt xung quanh cuộc sống, sẽ cảm thấy phụ thuộc vào sự hỗ trợ đó nên không chắc chắn về bản thân. Có những người, suốt mười mấy năm đi học từ lớp mầm non cho đến đại học, bố mẹ luôn theo sau để giải quyết mọi khó khăn dù nhỏ nhất. Nhưng đúng là bố mẹ không thể theo cả đời, đến lúc phải trưởng thành, họ loay hoay với chính cuộc sống của cá nhân mình. Bởi vậy, đừng làm hộ, hãy tạo cơ hội cho trẻ được độc lập, tự mình vượt qua thử thách của bản thân, đó là cách rèn kỹ năng sống tốt nhất.