Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay, chưa nhiều DN thỏa mãn đủ tiêu chí để được công nhận CNC.
Chưa đến 10 DN được cấp giấy chứng nhận
Theo Bộ KH&CN, DN muốn được cấp GCN CNC phải đáp ứng tiêu chí: Có tổng chi bình quân 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 1% doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư phải trên 1%; lực lượng thực hiện R&D phải chiếm ít nhất 5% tổng số lao động. Trong khi đó, đa số DN chưa chú trọng R&D, dẫn tới lượng GCN được cấp còn rất thấp.
Thống kê cho thấy, mới có chưa đầy 10 DN được cấp GCN CNC, chưa thực sự đem lại giá trị gia tăng và đóng vai trò tích cực trong chuyển giao CN nguồn tại Việt Nam.
Hiện chỉ khoảng 5 - 6% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng CN tiên tiến, 80% sử dụng CN trung bình, còn lại là CN lạc hậu. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhận xét: Các DN FDI mặc dù dẫn đầu về giá trị xuất khẩu nhưng chất lượng hàng hóa lại chưa cao. Phần lớn DN nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi gia công, lắp ráp tại Việt Nam.
Thực tế tình hình sản xuất tại các DN trên địa bàn Hà Nội - nơi vẫn được đánh giá đi đầu cả nước về ứng dụng KHCN vào sản xuất cũng cho thấy: Việc tiếp thu và đầu tư CN tiên tiến vào sản xuất của các DN Thủ đô lại đang gặp không ít khó khăn… Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, (Sở Công Thương Hà Nội) Lưu Minh Đức cho biết: Theo quy hoạch phát triển Thủ đô, do yêu cầu cao về đô thị hóa, bảo vệ môi trường…, công nghiệp Hà Nội đang chịu nhiều áp lực phải dịch chuyển ra khỏi trung tâm TP. Do đó, Hà Nội hiện không còn lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác về sản phẩm công nghiệp siêu trường, siêu trọng, hay sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Bởi vậy, áp lực và sự cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KHCN trong các DN công nghiệp tại Hà Nội ngày càng lớn. Song, "nhìn lại kết quả đầu tư KHCN của các DN Hà Nội sẽ thấy, vai trò và hiệu quả của phần đầu tư "cứng" (tài sản cố định) cho KHCN còn khá khiêm tốn. Đó là chưa kể TP còn rất nhiều DN công nghiệp, đặc biệt DN nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng CN lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường..." - ông Đức nhấn mạnh.
Cần hoàn thiện chính sách
Lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, đang hoàn thiện tiêu chí cấp GCN để khuyến khích DN đầu tư vào CNC, đồng thời soạn thảo cơ chế ưu đãi cao nhất cho Khu CNC Hòa Lạc với những sửa đổi: DN đầu tư vào lĩnh vực R&D được giảm toàn bộ tiền sử dụng hạ tầng trong 5 năm đầu và 50% trong 3 năm tiếp; thuế thu nhập DN được đề xuất mức 10% trong suốt thời gian hoạt động của DN, thay cho mức 15 năm hiện nay... Việc chỉ ưu đãi cho CNC được các chuyên gia nhận định, sẽ giúp Việt Nam tránh trở thành "bãi rác thải của thế giới". Tuy nhiên, "Việt Nam cần chú ý đơn giản hóa quy trình cấp GCN CNC để không trở thành rào cản mới với các DN đầu tư vào lĩnh vực này" -Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho khuyến cáo.
Từ thực tế điều hành DN sản xuất ô tô đang gặp nhiều khó khăn, Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Bùi Ngọc Huyên thẳng thắn: Trong khi áp dụng KHCN vào sản xuất được nhiều quốc gia khuyến khích thì ở Việt Nam, dù công tác R&D chưa gặt hái nhiều thành công, lại có không ít DN vừa làm vừa lo bởi không biết ứng dụng CNC sẽ mang lại hiệu quả hay đổ vỡ. "Ở một số quyết định của Thủ tướng phê duyệt danh mục CNC được ưu tiên đầu tư, lãi suất ưu đãi lại được giao cho ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm. Cuối cùng, chỉ DN chết bởi trót đầu tư bằng nguồn vốn tự có mà không được vay vốn dài hạn để đầu tư tiếp" - ông Huyên bức xúc. Theo lãnh đạo DN này, có một thực tế trên thế giới là, không có hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ không có đầu tư sản xuất, không có sản phẩm CNC, hoặc có thì sản phẩm đó cũng chết yểu bởi không đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Các sinh viên thực hành trên máy tại trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
|
Trong giai đoạn suy thoái, các DN đứng trước nhiều khó khăn, việc lựa chọn hướng phát triển bằng KHCN là rất cần thiết để phát triển bền vững trong tương lai. Trong lúc chờ hoàn thiện chính sách, DN nên chủ động tiếp cận những CN tiên tiến thế giới nhằm làm chủ CN thông qua các hoạt động chuyển giao CN trong và ngoài nước, đầu tư góp vốn bằng CN, tái cấu trúc DN trên cơ sở ứng dụng CN mới. TS Lưu Hải Minh Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội |