Dần chuyên nghiệp hơn
Được chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012, từ chỗ chỉ có một số nhà máy lớn tham gia chào giá, đến nay, số lượng nhà máy tham gia trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh đã lên tới con số 50. Điều này không chỉ góp phần mang lại sự sôi động cần thiết, yếu tố cạnh tranh cao cho thị trường, mà còn chứng tỏ tính hấp dẫn của thị trường.
Thông qua các "chiến thuật" chào giá hợp lý, nhiều đơn vị có điều kiện nâng được lợi nhuận như: Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi... Điều đó chứng tỏ hoạt động trên thị trường phát điện ngày càng chuyên nghiệp hơn, góp phần đảm bảo nguồn cung điện cho quốc gia và không đi chệch quỹ đạo mà Chính phủ yêu cầu đối với ngành điện. Những tín hiệu tích cực đó là tiền đề quan trọng để Chính phủ, Bộ Công Thương quyết định đẩy nhanh lộ trình triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong năm 2015 (thay vì đến năm 2016 như dự kiến ban đầu).Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành khá thuận lợi, nhưng để chuyển nhanh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn không phải là điều dễ dàng.
Công nhân thi công dự án nâng cấp, mở rộng Trạm biến áp 110 kV cấp điện cho Khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên). Ảnh: Ngọc Hà
|
Công khai phải song hành cùng minh bạch
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế khẳng định, muốn minh bạch giá điện, trước tiên phải minh bạch được giá thành sản xuất điện. Hệ thống điện hiện có nhiều nguồn phát nhưng giá thành sản xuất điện chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện trên hệ thống, khi mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn còn chiếm tới hơn 70% nguồn phát của toàn hệ thống. Một yêu cầu quan trọng thứ hai là phải minh bạch được giá truyền tải và phân phối điện - khoản cộng thêm không nhỏ vào giá thành điện khi tới tay người tiêu dùng. Và khi EVN còn độc quyền trong khâu truyền tải và phân phối điện thì các khoản chi phí do quản lý yếu kém, hao hụt trên đường truyền tải, hay lương, thưởng lớn… thì người dùng điện vẫn phải cõng vào giá điện. Yêu cầu thứ ba là không được phân biệt đối xử trong đàm phán mua bán điện với các đối tác phát điện. "Không phải người dân không biết giá điện ở Việt Nam đang khá thấp so với thế giới. Nhưng tại sao mỗi lần ngành điện điều chỉnh giá lại nhận được sự thiếu đồng thuận của dư luận đến vậy? Câu trả lời là bởi, mỗi lần điều chỉnh giá, ngành điện rất mù mờ thông tin" - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. Một hạn chế nữa là giá đầu vào (than, khí) và giá bán lẻ điện đầu ra lại không theo thị trường. Do đó, giá bán lẻ điện cần được điều chỉnh ở mức tương ứng so với thị trường điện cạnh tranh. Còn theo phân tích của chuyên gia Michele Pani - phụ trách khối châu Á của hãng tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Company, thì việc triển khai thị trường điện cũng như tái cơ cấu toàn diện mà EVN đang hướng tới cần phải hài hòa các mục đích như: Đảm bảo cân bằng hệ thống giữa trợ giá, giá bán, lợi nhuận cho nhà đầu tư, khả năng huy động vốn của các công ty phát điện và phân phối điện.
Nói cách khác, phát triển thị trường điện cần hướng tới mục đích trả lời được các câu hỏi quan trọng như: Giá điện mới (sau khi thực hiện thị trường hoàn chỉnh) có vừa với túi tiền người tiêu dùng hay không? Ngành điện có hoạt động hiệu quả (có mức chi phí cạnh tranh) không? Giá điện mới có đủ để đảm bảo sự bền vững tài chính cho EVN và để thu hút nhà đầu tư tư nhân hay không? Đây là những vấn đề vĩ mô và không thể thực hiện một cách vội vàng, nhanh chóng. Các chuyên gia khuyến cáo, EVN nên thận trọng tiến hành từng bước để đảm bảo thành công khi triển khai thị trường điện cũng như tái cơ cấu.
Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, khắc phục những bất cập và chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được duyệt là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. |