Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Không thể vì người nhà, người thân mà mất dân chủ“

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cách làm nhân sự phải minh bạch, có sự cạnh tranh rõ ràng, không thể vì người nhà, người thân mà mất dân chủ.

Thời gian qua, với sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều đảng viên và tổ chức Đảng sai phạm đã bị đưa ra ánh sáng, trong đó có những cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Dù hoan nghênh quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng nhưng dư luận cũng chưa thể yên lòng khi những cán bộ không đủ phẩm chất, lạm quyền, lộng quyền vẫn lọt vào bộ máy lãnh đạo ở Trung ương và địa phương.
Ủng hộ tinh thần quyết liệt của Bộ Chính trị
“Đau xót” là cảm giác chung của nhiều cán bộ, đảng viên khi chưa hết nửa nhiệm kỳ khóa XII, nhiều cán bộ và tổ chức Đảng ở cấp Trung ương và địa phương đã bị xem xét kỷ luật.
Giờ đây, dư luận đã có thể tự tìm ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi… Mất “cán bộ” là một chuyện, cái mất lớn đáng sợ hơn là uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân.
 Trung tướng Khuất Duy Tiến.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh quân đoàn 3, Binh đoàn Tây Nguyên nói rằng, ông hết sức ủng hộ tinh thần quyết liệt của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, không khoan nhượng với những cán bộ sai phạm, dù ở vị trí nào và được nhân dân kỳ vọng ra sao. Nhưng ông cũng đau xót khôn nguôi khi những cán bộ cao cấp lẽ ra phải là tấm gương cho quần chúng lại sẵn sàng vì lợi ích cá nhân.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, cán bộ trước khi được bổ nhiệm cần phải được sàng lọc thật kỹ. Những người làm công tác tổ chức phải làm tròn trách nhiệm của mình, sắp xếp, đánh giá, đào tạo cán bộ từ cơ sở để đưa những người thật tốt vào vị trí lãnh đạo, không để những kẻ lợi dụng mua bán chức quyền có cơ hội.

Trong một hội thảo gần đây về đạo đức của Đảng, TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tình trạng cán bộ tha hóa gần đây có nguyên nhân từ việc đảo lộn hệ giá trị. Trong bổ nhiệm cán bộ, nhân cách lẽ ra phải đặt ở vị trí cao nhất thì nay được đặt ở hàng thứ yếu, nhiều trường hợp bị gạt sang bên lề.
Công tác cán bộ cần phải xem xét lại
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, những vụ việc vừa qua cho thấy, rõ ràng, công tác cán bộ cần phải xem xét lại. Vì sao bổ nhiệm đúng quy trình mà cán bộ vẫn cứ sai phạm? Phải chăng quy trình và cách thực thi quy trình "có vấn đề".
 TS Hoàng Ngọc Vinh.
“Quy trình tưởng rất chặt chẽ, nào là phải lựa chọn từ cấp dưới, phải đủ bao nhiêu phần trăm nhưng rõ ràng, trong bộ máy tổ chức có sự bao che, không dám nói thẳng với nhau. Đặc biệt, người đứng đầu cấp tỉnh hoặc cấp bộ, phẩm chất có vấn đề. Thuộc cấp anh thế nào anh phải biết chứ. Cách làm nhân sự phải làm sao vừa dân chủ, minh bạch, có sự cạnh tranh rõ ràng, không thể vì người nhà, người thân mà mất dân chủ” – TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Còn nhớ, trước thềm Đại hội XII của Đảng, vấn đề nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương ít nhất đã được thảo luận tại 4 hội nghị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định dứt khoát: “Kỳ này không được để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Có những dấu hiệu đó thì không được đưa vào”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư nhấn rất mạnh chữ “lọt”. Vì vậy, công tác nhân sự cho Đại hội XII được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, nghiêm túc, trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Phúc thừa nhận, đánh giá một con người cụ thể là khó có thể chuẩn 100%.
“Có thể, khi được giới thiệu vào Trung ương thì người đó tốt, xứng đáng nhưng khi đã vào vị trí thì bộc lộ tiêu cực, bản chất. Cho nên cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực mà Tổng Bí thư nhắc, rất khó đánh giá, làm sao biết được cán bộ đó tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị vì họ giấu kín đi, thậm chí tham nhũng đó nhưng nói chống tham nhũng rất quyết liệt. Cho nên trước Đại hội đánh giá là thế, nhưng khi họ đã vào vị trí thì sử dụng quyền lực để thao túng, vơ vét, lạm quyền, lộng quyền” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.
Để lọt cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp thì hậu quả khôn lường. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự sắp tới, nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn đúng người có đức, có tài để đưa vào bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, kể cả Trung ương.
Phải lựa chọn những cán bộ đã trải qua thực tiễn, được rèn luyện và phải giáo dục, bồi dưỡng căn bản. Khi đã giao quyền thì phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ như Nghị quyết TW4 khóa XII đã đề ra./.