Không thi hành án hành chính: Thiếu chế tài mạnh để xử lý

Tuấn Phong - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Án hành chính lâu nay được mặc định là loại án “cực” khó thực hiện do đối tượng phải thi hành là những người có chức sắc, thậm chí đứng đầu cơ quan hành chính địa phương.

Một trong những bất cập trong công tác thi hành án (THA) hành chính được Bộ Tư pháp chỉ ra là do Luật Tố tụng hành chính năm 2010 cũng như Luật năm 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) chưa quy định cơ chế hữu hiệu để buộc người phải THA thực hiện quyết định của tòa án; thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục THA.
Một phiên tòa hành chính giả định của các học viên tại Học viện Tòa án. Ảnh: Thiên Bình
Một phiên tòa hành chính giả định của các học viên tại Học viện Tòa án. Ảnh: Thiên Bình
Dự thảo Nghị định quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm, các biện pháp để buộc các cơ quan, tổ chức THA phải thực hiện nghiêm bản án, quyết định về hành chính của tòa án. Cụ thể, thủ trưởng của cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải THA có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án; chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra việc chậm THA…

Cũng theo Dự thảo, các hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức trong THA hành chính sẽ bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương... Cá nhân, tổ chức THA chậm, không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của tòa án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, thậm chí nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Quy định là vậy, song nhiều ý kiến vẫn quan ngại tính khả thi của Dự thảo trên thực tế. Bởi, khó nhất trong các vụ án hành chính là việc đối tượng phải THA là người có chức sắc, thậm chí đứng đầu cơ quan hành chính địa phương. Đặc biệt, ở cấp tỉnh và huyện thì Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND lại là trưởng ban chỉ đạo THA dân sự và có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến THA. Về nguyên tắc, nói THA theo pháp luật nhưng nếu trưởng ban là người phải THA thì cơ quan THA dân sự với vai trò phó ban có dám “cưỡng chế” lãnh đạo của mình?

Trước vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng cho rằng, cần phải tính đến mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức liên quan để đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp. Đồng quan điểm, ông Lê Trí Cường - Phó Chánh tòa hành chính TAND TP Hà Nội đề xuất, cần quy định rõ căn cứ, trình tự và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm về THA hành chính. Đồng thời, cần quy trách nhiệm của cán bộ công chức hoặc người có trách nhiệm THA hành chính theo Luật Cán bộ công chức, viên chức hoặc quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức đó. Bên cạnh đó, cần đánh giá khi bình xét cuối năm về mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, để thi hành được án hành chính, quan trọng nhất là phải có chế tài bảo đảm thực hiện. Vì vậy, nếu quy định cụ thể và đồng bộ các hình thức xử lý vi phạm thì hoàn toàn có thể khả thi. Đơn cử, người không THA hành chính có thể bị xem xét trách nhiệm khi đề bạt, bổ nhiệm hay không được xem xét trong thi đua khen thưởng. Quan trọng nhất là phải kiên quyết, bởi nếu không xử lý sẽ tạo những tiền lệ xấu.
Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội Khóa XV mới đây, ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt thấp (chỉ đạt 26,9%). Do xác định việc giải quyết đối với án hành chính còn gặp nhiều khó khăn nên TAND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường công tác đối thoại; chủ động hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ với Tòa án cấp huyện; giải quyết dứt điểm đối với những vụ án hành chính phức tạp, có đông người và chung đối tượng khởi kiện...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần