Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thiếu tiền nhưng..

Khánh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, diễn ra ngày 19/5/2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.

Khu nhà ở xã hội huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Khu nhà ở xã hội huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải

Trước đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị trả lại hơn 2.800 tỷ đồng về ngân sách T.Ư. Đây là khoản tiền nằm trong gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ được thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Còn nhớ, cuối quý I/2023, trong lúc thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng, các DN BĐS đau đầu vì vốn, còn người dân, người lao động vẫn khao khát căn nhà an cư lạc nghiệp…, thì thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng làm bừng sáng nhiều hy vọng.

Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được Chính phủ phê duyệt, trong đó, nổi bật nhất là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn thông thường từ 1,5 - 2%. Đề án này có thể coi như bước đột phá mạnh mẽ với “tảng băng” BĐS, đồng thời thể hiện sự chăm lo thiết thực của Chính phủ đối với an sinh xã hội, với đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, dù thời gian giải ngân kéo dài tới hết năm, nhưng đến nay, tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ đợi, còn người cần tiền thì không tới vay bởi nhiều lý do như, phía người cần vay, đa số là người thu nhập thấp, thì dù được nhận mức lãi suất thấp hơn thị trường, nhưng mức 8,2%/năm vẫn là cao, rồi những rào cản về thủ tục, pháp lý liên quan đến cả người vay và DN tham gia vào thị trường này…

Trong khi đó, gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ được thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, sau hơn 1 năm triển khai kết quả giải ngân là hơn 3.759 tỷ đồng với hơn 5,2 triệu lượt lao động được hỗ trợ, “thừa” hơn 2.800 tỷ đồng. Vậy là còn nhiều trường hợp rất cần hỗ trợ (mặc dù mức hỗ trợ chỉ ở mức 500.000 đồng và 1 triệu đồng) nhưng rất thiết thực để trang trải cuộc sống sau những khó khăn bởi dịch Covid-19.

Một trong những chính sách khá sát và cấp thiết với DN và nền kinh tế là nghị định hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng được áp dụng từ năm 2022.

Tuy nhiên đến nay con số giải ngân cũng khá khiêm tốn, nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song họ lại hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Chính sách tốt, đúng nhu cầu bức thiết của người lao động nhưng khi thực hiện lại gặp khó cho thấy vấn đề tiếp cận chính sách đang có quá nhiều trở ngại. Trong đó trình tự thủ tục thường khá phức tạp, kéo dài.

Trong khi người được thụ hưởng không mặn mà thì cơ quan có trách nhiệm thực hiện giải ngân cũng gặp không ít vướng mắc vì trong đó có rất nhiều các quy định, thủ tục là những rào cản chưa có được những giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Chính sách ra đời kịp thời, rất được trông đợi nhưng đi kèm với đó phải là những quy định giúp tạo cơ hội và điều kiện, đồng thời có cơ chế minh bạch và công bằng mới tạo được hiệu quả thiết thực. Và đó mới là mong mỏi của người dân, DN.