Theo ông Tiến, việc thoái vốn DNNN đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không thoái vốn bằng mọi giá để bán rẻ vốn Nhà nước.
Tổng số tiền dự tính từ thoái vốn từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được quản lý, sử dụng thế nào, thưa ông?
- Theo quy định, số tiền thu từ thoái vốn các khoản đầu tư ra ngoài DN sau khi trừ đi giá trị vốn đầu tư, chi phí chuyển nhượng và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, số tiền còn lại (nếu có) được xác định vào thu nhập hoạt động tài chính của DN.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu thoái hết số vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN đến cuối năm 2015 rất khó đạt mục tiêu. Ông nói gì về nhận định này?
- Theo nguyên tắc chỉ đạo của T.Ư và Nghị quyết Quốc hội là thoái vốn phải có kế hoạch theo lộ trình cụ thể, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta không thoái vốn bằng mọi giá, bán rẻ vốn Nhà nước vì đây là vốn của Nhân dân giao Chính phủ, DNNN quản lý, sử dụng.
Tiến trình thoái vốn vẫn chưa được như mong đợi, Bộ Tài chính có đề xuất hay kiến nghị gì để đẩy nhanh tiến trình này không?
- Mới đây, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề về việc thoái vốn DNNN đầu tư ngoài ngành. Trong đó, đáng chú ý, Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phân loại các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo nguồn vốn để phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thoái vốn khi thị trường cho phép. Với thị trường chứng khoán, thị trường này hiện nay chưa sôi động, mặt khác, chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa các DN nên lượng cổ phiếu bán ra thị trường nhiều, nếu cứ bán ồ ạt ra thị trường bằng mọi giá thì DN sẽ mất vốn, các nhà đầu cơ có cơ hội để thâu tóm DN.
Xin cảm ơn ông!