Không thu hút FDI bằng mọi giá

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và trong thời gian tới đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như các khâu trong quản lý Nhà nước trong hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài.

 Thành công của FDI cũng là thành công của Việt Nam trong những năm qua
Đó là nhận xét chung của dư luận, nhiều nhà quản lý kinh tế khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (Nghị quyết 50).
Sau hơn 30 năm Đổi mới và kể từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực này ngày càng và hiện đã khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Những con số về đóng góp của khu vực FDI đối với GDP (trên 20%) và tăng trưởng GDP, sản lượng công nghiệp (trên 50%), kim ngạch xuất khẩu (gần 70%), và tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp (khoảng 12 - 13 triệu)… chứng minh cho nhận định đó. Và đã từ nhiều năm nay FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, thành công của FDI cũng là thành công của Việt Nam. Và người Việt Nam, nhất là đội ngũ doanh nhân và người lao động Việt Nam, đã học hỏi được không ít từ FDI.
Tuy nhiên, đi cùng với những kết quả đạt được, nguồn lực này cũng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Có nguyên nhân đến từ chính nhà đầu tư, DN khi đầu tư vào Việt Nam, có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng để dễ bị lợi dụng.
Nhìn thẳng sự thật, không tô hồng, ngủ quên trên những thành tích đã đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút những nhà đầu tư, DN nước ngoài lớn trong thời gian qua, Nghị quyết đã thừa nhận những hạn chế và những vấn đề mới phát sinh trong thu hút FDI. Cụ thể như thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng…
Đi cùng với những hạn chế được chỉ ra, Nghị quyết 50 đã đề ra những giải pháp khá cụ thể. Riêng về vấn đề chuyển giá, Nghị quyết đã nêu rõ giải pháp và giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước phải hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật, phải ngăn chặn việc chuyển giá ngay từ khâu thành lập và trong quá trình hoạt động của DN FDI. Bên cạnh đó là những giải pháp vận dụng mạnh mẽ cơ chế phối hợp liên ngành, tích hợp thông tin các địa phương để xử lý các bất cập hiện nay. Hơn thế, cơ quan quản lý cần thương thảo với các đối tác nước ngoài để có thông tin kiểm tra chéo. Chúng ta có đủ điều kiện để thực hiện vấn đề này, vì Việt Nam đã chủ động hội nhập và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi chủ trương đã rõ, đã chuẩn xác, đáp ứng đòi hỏi của tình hình và có tầm nhìn dài hạn, cũng là lúc cần quyết liệt hành động. Trong thời gian tới đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá nghiêm túc việc thu hút FDI trên cơ sở nghị quyết này, từ đó cụ thể hóa bằng những biện pháp, chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án.
Là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng không thể thu hút FDI bằng mọi giá, không đánh đổi tăng trưởng với những vấn đề về môi trường, công nghệ lạc hậu. Thay vào đó, nguồn lực FDI phải là nguồn lực góp phần cùng các thành phần kinh tế khác trong nước phát triển vững chắc và bền vững. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần