Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không vi phạm Luật Di sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay sau khi phương án xây cầu vượt qua khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa được công bố, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với dự án này do lo ngại ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc. Để rộng đường dư luận, báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với một số bên liên quan xung quanh việc lập phương án thiết kế cầu vượt này.

 Vẫn chưa phê duyệt phương án xây dựng cầu

Chiều 15/4, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, sau 2 năm nghiên cứu hiện đã có phương án kiến trúc cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa. Theo dự kiến, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân, mố cầu nằm ngoài di tích còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Cầu vượt làm bằng bê tông theo hướng Vành đai 1 dài khoảng 510m, mặt cắt ngang rộng 14m gồm 4 làn xe. Ngoài ra, còn có hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, tổ chức giao thông… với tổng chi phí 766 tỷ đồng.

Trước thông tin việc xây cầu vượt sẽ ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc, ông Bảo cho biết: "Khi triển khai nghiên cứu dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo phải bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc đồng thời hạn chế tối đa việc GPMB. Bên cạnh đó, khi làm đường Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, di tích này đã được bảo vệ phía trên mặt bằng một lớp kết cấu nên không chịu tác động khi xây dựng cầu vượt". Cần phải nói thêm, phương án xây dựng cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa vẫn chưa chính thức được phê duyệt. Do đó, khi có ý kiến về phương án xây dựng cầu ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc, Ban và Sở QH - KT sẽ tiếp tục họp bàn để lựa chọn phương án trình TP phê duyệt. Cụ thể, trong ngày 16/4, Ban và Sở QH - KT sẽ có cuộc họp để đưa ra thêm 2 phương án xây dựng cầu vượt để trình TP xem xét. Tuy nhiên, trước khi TP phê duyệt cũng sẽ có văn bản xin ý kiến của Bộ VHTT&DL và khi được chấp thuận, TP mới chính thức phê duyệt dự án.

Cầu vượt cần tránh vùng lõi của di tích

Chiều qua, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho biết: Ngày 27/12/2012, Bộ VHTT&DL và Cục Di sản đã có văn bản cho ý kiến về kế hoạch thực hiện dự án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội). Khu vực thực hiện dự án là nút giao thông thường xuyên xảy ra hiện tượng ùn tắc, nhưng vì yêu cầu phát triển chung của Hà Nội nên Bộ VHTT&DL chỉ yêu cầu Ban dự án khi thực hiện xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc cần tránh vùng lõi hay vùng gốc của di tích. Nghĩa là lan can của cầu chỉ được phép chạm đến chỉ giới của khu vực I. Theo Luật Di sản văn hoá, khu vực lõi (khu vực I) là khu vực không được xâm hại, khu vực II, III là khu vực có khả năng được điều chỉnh.

Dự án do TP Hà Nội phê duyệt, Bộ chỉ đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến các vấn đề bảo vệ di tích. Hiện nay, Bộ cũng đang theo dõi việc này, đồng thời yêu cầu Cục Di sản văn hoá có kế hoạch kiểm tra, giám sát nếu việc thi công động chạm đúng khu vực có di tích sẽ yêu cầu dừng lại. Ví dụ, trong quá trình thi công, nếu phát hiện đơn vị thực hiện vi phạm vào chỉ giới  vùng không cho phép sẽ yêu cầu dừng lại dịch chuyển ra ngoài khu vực di tích.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng: "Dự án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc không vi phạm Luật Di sản. Tuy nhiên, đơn vị thi công cần phải tính toán kỹ lưỡng việc thi công cây cầu để đảm bảo phần móng của trụ cầu không xâm hại đến di tích. Nên xem xét tới việc xây dựng cầu bằng thép thay vì bằng bê tông nếu có thể để sau này nếu có giải pháp khác vừa bảo tồn được di tích, vừa giải quyết đến vấn đề giao thông thì sẽ dễ dàng xử lý hơn".