Khủng hoảng ngoại giao Pháp, Mỹ và Australia sau thỏa thuận AUKUS

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có với Mỹ và Australia khi Paris triệu hồi đại sứ tại hai quốc gia về nước để phản đối việc thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD của nước này bị hủy bỏ.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 17/9, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nói rằng việc triệu hồi Jean-Pierre Thebault, Đại sứ Pháp tại Australia và Philippe Etienne, Đại sứ Pháp tại Mỹ, là quyết định hiếm hoi được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra vì tính nghiêm trọng của vấn đề.
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng giữa và Thủ tướng Australia Scott Morrison vẫy tay chào các phóng viên tại Điện Elysee ở Paris, ngày 15/6/2021. Ảnh: AP
Trước đó, hôm 16/9, Austalia cho biết, nước này sẽ hủy hợp đồng trị giá 40 tỷ USD ký năm 2016 với tập đoàn thuộc Hải quân Pháp về việc chế tạo một đội tàu ngầm thông thường, thay vào đó sẽ chuyển sang phát triển ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ và Anh, sau khi ba quốc gia tuyên bố thành lập tam giác an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong tuyên bố chung công bố hôm 15/9, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên, được gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Caberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của của Paris.
Theo một nguồn tin từ Pháp, đây là lần đầu tiên Paris triệu đại sứ về nước theo cách này. Bộ Ngoại giao Pháp không đề cập đến Anh, nhưng một nguồn tin ngoại giao nói rằng Pháp coi việc Anh tham gia thỏa thuận an ninh ba bên là một kiểu cơ hội. “Chúng tôi không cần tham vấn Đại sứ Anh để biết phải làm gì hay đưa ra bất kỳ kết luận nào”, nguồn tin tiết lộ.
Ngoại trưởng Pháp Le Drian nói rằng thỏa thuận trên là không thể chấp nhận được. “Việc Australia từ bỏ dự án tàu ngầm với Pháp, và thông báo hợp tác nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”, Ngoại trưởng Le Drian nói trong tuyên bố hôm 17/9.
“Hậu quả của việc này tác động đến mọi khái niệm của chúng tôi về đồng minh, về quan hệ đối tác và tầm quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với châu Âu”, ông  Le Drian nhấn mạnh. 
Trong một phản ứng mới nhất, ngày 18/9, Australia cho biết họ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi đại sứ, đồng thời khẳng định nước này coi trọng mối quan hệ với Pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với Paris về các vấn đề khác. “Australia hiểu rõ sự thất vọng sâu sắc của Pháp đối với quyết định của chúng tôi, nhưng đây là điều phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia và đã được chúng tôi thông báo chính thức” - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Australia Marise Payne tuyên bố.
Trong một động thái khác, Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận việc hủy bỏ thỏa thuận này có thể gây tổn hại cho quan hệ Australia – Pháp, nhưng khẳng định đã thông báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng này trước đó. “Khi cùng ngồi ăn tối tại Paris, tôi nói rất rõ [với ông Macron] về những mối quan ngại đối với các tàu ngầm truyền thống khi chúng tôi phải đối mặt với môi trường chiến lược mới. Tôi khẳng định rõ rằng đây là vấn đề mà Úc cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia” - Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh.
Vụ triệu hồi đại sứ lần này ghi nhận leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa Australia và Pháp kể từ năm 1995, khi Canberra phản đối quyết định của Pháp nối lại vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương và triệu hồi đại sứ để tham vấn.
Trước đó, Nhà Trắng cũng cho biết lấy làm tiếc về quyết định của Pháp và Washington đang liên lạc với Paris về vấn đề này. Quan chức Mỹ nói rằng Washington sẽ tiếp tục tiếp xúc để giải quyết khác biệt với Pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định rằng Pháp là một “đồng minh quan trọng” và Washington sẽ có cuộc thảo luận về tranh cãi xung quanh thỏa thuận AUKUS.
Ngày 16/9, Ngoại trưởng Mỹ Anony Blinken nỗ lực xoa dịu Pháp, gọi Paris là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia đồng minh xảy ra khi Mỹ đang cần tập hợp sự đoàn kết và tìm kiếm ủng hộ ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Hôm qua, EU đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tự do thông thương và hảng hải có ý nghĩa trọng yếu tới kinh tế của khối. Theo đó, EU sẽ điều thêm các tàu chiến đến khu vực để hỗ trợ các nước trong khu vực đảm bảo an toàn hàng hải.
Chuyên gia Pierre Morcos tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington gọi động thái mới nhất của Pháp là “lịch sử”. “Những lời nói bảo đảm như chúng ta đã nghe từ Ngoại trưởng Blinken là chưa đủ với Pháp, nhất là sau khi giới chức Paris biết rằng quá trình này đã được chuẩn bị trong mấy tháng”, ông Morcos nói.
Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Herve Lemahieu của Viện Lowy, quyết định hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm của Pháp sẽ “ảnh hướng nghiêm trọng đến quan hệ song phương và làm mất lòng tin giữa Australia và Pháp"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần