Các nhà lãnh đạo thế giới và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần ưu tiên tìm giải pháp đối phó với tình trạng khan hiếm nước ngày càng trở nên trầm trọng hiện nay, đe dọa sự ổn định của toàn cầu.
Đây là nội dung chính trong nghiên cứu nhan đề "Khủng hoảng nước toàn cầu: Vấn đề an ninh cấp bách" do Hội đồng Tương tác (IAC) thực hiện và công bố ngày 10/9.
Báo cáo nêu rõ nguồn nước cạn kiệt đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với an ninh, sự phát triển và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chăm sóc y tế, tích trữ năng lượng và chuỗi cung ứng lương thực-thực phẩm toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CT4)
Cựu Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland, thành viên nhóm nghiên cứu trên, nhấn mạnh khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, Tây Á và Bắc Phi đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, đe dọa dẫn tới những bất ổn chính trị và xung đột vũ trang tranh giành nguồn nước.
Theo nghiên cứu trên, trong gần hai thập kỷ tới, hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thiếu nước nghiêm trọng do nguồn cung cạn kiệt tỷ lệ nghịch với nhu cầu tiêu thụ. Chịu tác động tiêu cực của hiện tượng Trái Đất ấm lên, hiện có khoảng 3.800 km3 nước trong hệ thống sông hồ bị bốc hơi (1.000 km3 tương đương 1.000 tỷ m3) mỗi năm.
Trong khi đó, dân số thế giới không ngừng gia tăng và dự kiến tới năm 2025, cư dân hành tinh sẽ lên tới 8 tỷ người, đòi hỏi lượng nước cần thiết cho hoạt động nông nghiệp tăng thêm 1.000 km3 nước/năm và thế giới cần phải có 20 con sông Nile nữa mới đủ cung cấp nước và tránh được một cuộc khủng hoảng về nước.
Các chuyên gia IAC tính toán chi phí cho nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh tại các nước đang phát triển sẽ tăng khoảng 11 tỷ USD/ năm. Mỗi USD chi cho lĩnh vực này sẽ mang lại lợi ích kinh tế tương ứng gấp 3-4 lần. Hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ người không được sử dụng nước sạch, 2 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh cơ bản và mỗi ngày có khoảng 4.500 trẻ em tử vong do các căn bệnh liên quan tới nước.
Từ những số liệu này, IAC kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa khủng hoảng nước vào trọng tâm nghị sự của mình, có vai trò quan trọng tương tự xung đột vũ trang tại nhiều điểm nóng trên thế giới và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
IAC là nhóm nghiên cứu gồm khoảng 40 cựu lãnh đạo các nước trên thế giới, trong đó có các cựu chính khách hàng đầu như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien, cùng các chuyên gia Viện Thủy lợi, môi trường và y tế thuộc Đại học Liên hợp quốc và Quỹ Walter and Duncan Gordon của Canada./.