Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khung pháp lý nào cho chứng khoán bán khống?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bán khống trong giao dịch chứng khoán (short sales) được hiểu là bán chứng khoán vay mượn. Chứng khoán được cho vay lấy từ nguồn tự doanh của công ty chứng khoán (CTCK).

KTĐT - Bán khống trong giao dịch chứng khoán (short sales) được hiểu là bán chứng khoán vay mượn. Chứng khoán được cho vay lấy từ nguồn tự doanh của công ty chứng khoán (CTCK).

Hình thức này đang được CTCK sử dụng tràn lan để thu hút nhà đầu tư (NĐT), nhất là trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt để chiếm thị phần môi giới.


Bán khống cổ phiếu - con dao hai lưỡi


Hiện nay có không ít CTCK chào mời nghiệp vụ bán khống CP. Chỉ cần ký quỹ 20%, NĐT được công ty cho vay một lượng CP tùy theo nhu cầu để bán ra khi NĐT dự đoán giá CP đó sẽ xuống thấp. Sau một số ngày nào đó do NĐT quyết định và có thỏa thuận với CTCK, NĐT phải mua vào đúng lượng chứng khoán đã vay để trả lại công ty. Sao kê tài khoản của NĐT này luôn thể hiện lệnh bán thực hiện trước lệnh mua hàng chục ngày. Thực hiện dịch vụ này, nếu xu hướng thị trường thuận lợi, NĐT có thể thu lợi nhuận rất cao nhưng rủi ro đi kèm cũng rất lớn.


Tuy nhiên, bán khống là con dao hai lưỡi với NĐT, có thể đem tới lợi nhuận cao, cũng có thể đem tới số lỗ khổng lồ cho NĐT. Nếu ngược sóng, NĐT sẽ mất hết 20% số tiền đã ký quỹ. Ngoài phí giao dịch bán - mua CP, NĐT còn phải trả cho CTCK khoản phí vay CP.


Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng và dịch vụ CTCK Tràng An, mua bán khống có tính hai mặt. Thứ nhất, nó tạo tính thanh khoản cho thị trường. Nhưng cũng do có cả tiền thực và tiền ảo nên chắc chắn, nếu không kiểm soát tốt, sẽ tạo nguy cơ bong bóng và tiềm ẩn rủi ro cao.


Cần có khung pháp lý


Cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về bán khống. Điều đó có nghĩa là bán khống chưa được áp dụng tại TTCK Việt Nam. Trong định hướng cho phép áp dụng các sản phẩm phái sinh đang được UBCK dự thảo các văn bản hướng dẫn, bán khống là nghiệp vụ không có trong danh mục và cơ quan quản lý chưa hề có ý định sẽ hướng dẫn cho phép thực hiện nghiệp vụ này, nhất là trong bối cảnh bán khống bị hạn chế ngay cả tại các TTCK phát triển như Mỹ, châu Âu.

Trước đây, việc NĐT được phép mượn CP để bán chỉ diễn ra ở các CTCK lớn. Nhưng hiện nay ngay cả những CTCK nhỏ cũng có thể triển khai hình thức này. Tuy nhiên, do bị cấm nên hầu hết đơn vịchỉ thông báo miệng cho NĐT qua hệ thống môi giới, chứ không có thông tin chính thức.


Dù với lý do gì chăng nữa, việc này cũng tạo ra những tiền lệ nguy hiểm và rủi ro khó lường cho thị trường khi làm thị trường xuất hiện nguồn cung giả tạo, méo mó cung cầu và hệ quả là không phản ánh đúng giá cả của thị trường chứng khoán. Hơn nữa, với thực tế tính đầu cơ cao trên thị trường, một khi bán khống phổ biến, giới đầu cơ đặc biệt "yêu thích" một loại CP nhất định nào đó, lệnh đặt bán của họ sẽ ngập thị trường và giá CP "mất phanh".


Thời gian qua, một số CTCK đã bị UBCK phát hiện cho NĐT bán khống CP. Tuy nhiên, mức phạt mỗi công ty cao nhất cũng chỉ 70 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này chưa đủ răn đe các công ty hiện đang vi phạm khi chỉ cần thực hiện vài giao dịch cho NĐT vay CP là đã thừa tiền nộp phạt.