Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuôn thước cho nhà cao tầng ở nội đô Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 4/4/2016 ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội.

Đây là quy chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được người dân, DN và cả cơ quan quản lý mong chờ. Quy chế này có tác động lớn đến công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị của 5 quận có liên quan.

Công cụ để kiểm soát

Trong các đồ án quy hoạch, quy chế được Hà Nội triển khai xác lập trong 5 năm qua, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đây là quy chế mà giới chuyên môn đánh giá là phức tạp nhất bởi những tác động rất lớn đến khu vực lõi của Hà Nội.

Theo Quy chế, việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch, kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đó là chỉ cho phép xây dựng công trình tại các khu vực đã được quy định tại khoản 2, Điều 3 của Quy chế. Trường hợp khác với các quy định này, ngoài vị trí và vượt quá quy mô cho phép, sẽ do UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Đường Xã Đàn, quận Đống Đa.  	Ảnh: Thanh Hải
Đường Xã Đàn, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Các vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng gồm có: Các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị, tuân thủ theo quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 của Quy chế. Các dự án tái thiết khu đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng tại các khu chung cư cũ và quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giao dịch và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các dự án tái thiết khu đô thị khác theo quy định của pháp luật, tuân thủ theo các quy định tại Điều 10 của Quy chế. Quy chế cũng đưa ra các nguyên tắc trong việc nghiên cứu xây dựng và quản lý công trình cao tầng.

Đánh giá về tầm quan trọng của quyết định này, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở QH - KT cho biết, đây là nỗ lực rất lớn của TP Hà Nội, bởi Quy chế có độ phức tạp cao, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Quy chế này là công cụ để kiểm soát phát triển của khu vực nội đô, trong đó có cảnh quan kiến trúc, dân số; phục vụ cho công tác quản lý. Trước đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về hạn chế xây dựng công trình cao tầng trong nội đô (năm 2009), quyết định  này có hiệu lực thì các dự án ở trong khu vực có quy định điều tiết có cơ hội để làm rõ, nhà đầu tư biết để thực hiện cho đúng.

Có thước đo, hạn chế xin - cho
Quy chế được áp dụng trên khu vực có quy mô khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía nam của quận Tây Hồ. Theo Quy chế, công trình cao tầng là công trình có 9 tầng trở lên.

Từ nhiều năm nay, qua nhiều lần quy hoạch chung, cho dù các chỉ tiêu quy hoạch có thay đổi thì nội đô lịch sử vẫn là khu vực được xác định rõ mục tiêu hạn chế phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mạnh của thị trường bất động sản, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, nội đô lịch sử lại là “cái rốn”, nơi thu hút nhiều dự án phát triển bất động sản với những nhà đầu tư tham gia đều là những DN có tiềm lực mạnh. Người dân Hà Nội đã phải chứng kiến tình trạng các công trình cao tầng mọc lên một cách tràn lan tại các quận nội thành cũ. Những hệ lụy phát sinh là sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phá vỡ cảnh quan kiến trúc của phố cổ, phố cũ; xói mòn quỹ di sản quý giá của Hà Nội - những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp xây dựng trước năm 1954. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo dừng việc xây dựng các công trình trong khu vực trung tâm Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo này, nhiều dự án đang dở dang đã phải dừng triển khai. Có số liệu cho rằng, vào thời điểm Chính phủ có chỉ đạo, ở nội đô đang có tới 55 công trình cao tầng đã cấp phép xây dựng và đang thi công, 42 công trình đã cấp phép xây dựng nhưng chưa thi công.

Từ thực tế này, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội có hiệu lực vào ngày 14/4/2016 được kỳ vọng sẽ khắc phục được những nhược điểm trong quản lý công trình cao tầng. Quy chế đã quy định cụ thể về tầng cao tối đa, chiều cao tối đa đối với từng khu vực, đoạn tuyến, tuyến đường, tuyến phố, nút giao thông, khu chung cư, khu vực điểm nhấn đô thị. Không còn tình trạng quản lý theo kiểu “bốc thuốc” khiến cho các công trình xây dựng đẹp một cách “lẻ loi”, “vô duyên”, không  ăn nhập, thậm chí phá vỡ không gian, cảnh quan, kiến trúc khu vực. Trên cơ sở các quy định, cơ quan quản lý sẽ có câu trả lời cho các công trình đang phải chờ đợi lời giải về quy mô, tầng cao suốt mấy năm qua. Với khuôn thước này, còn có thể giảm thiểu tình trạng xin - cho đối với các dự án nằm trong khu vực vốn được coi là đất vàng, đất kim cương của Hà Nội.
Điều 6 của Quy chế quy định quản lý quy hoạch không gian đối với công trình cao tầng tại khu vực hai bên đường vành đai quy định cụ thể một số khu vực không được xây dựng công trình cao tầng: Trên tuyến Vành đai 1 (đoạn tuyến nằm trong địa bàn quản lý của Quy chế gồm Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - La Thành): không được xây dựng công trình cao tầng trong khuôn viên công viên Thủ Lệ; trên đường Đại Cồ Việt (đoạn từ nút giao với đường Giải Phóng đến nút giao với đường Vân Hồ 3), không xây dựng công trình cao tầng trong khuôn viên công viên Thống Nhất.
Trên tuyến Vành đai 2: Với đường Bưởi (đoạn từ nút giao với đường Cầu Giấy đến nút giao với đường Láng Hạ) không xây dựng công trình cao tầng trong khuôn viên công viên Thủ Lệ; đường Trường Chinh (đoạn từ nút giao với Khương Thượng đến nút giao với sông Lừ) không xây dựng công trình cao tầng để đảm bảo an toàn chiều cao tĩnh không khu vực sân bay hiện hữu.
Đường ven đê sông Hồng có đoạn tuyến nằm trong địa bàn quản lý của Quy chế gồm: Phía tây các đường An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái. Theo quy chế đối với khu vực phía tây đường Âu Cơ (đoạn từ nút giao với đường Lạc Long Quân đến nút giao với đường Xuân Diệu) không xây dựng công trình cao tầng, nghiên cứu bảo tồn cảnh quan khu vực hồ Tây và xung quanh. Phía tây đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải (đoạn từ nút giao với đường Hàng Đậu đến nút giao với đường Lò Sũ), không xây dựng thêm công trình cao tầng, đảm bảo phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.
Phía tây đường Trần Quang Khải (đoạn từ nút giao với phố Lê Phụng Hiểu đến nút giao với phố Tràng Tiền), không xây dựng công trình cao tầng, đảm bảo phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.