KTĐT - Sau 15 năm thực hiện công tác bán nhà theo Nghị định 61/CP, đến nay Hà Nội đã bán được khoảng 75% quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước. Hiện nay, tổng quỹ nhà thuộc diện đan xen sở hữu và chưa bán còn khoảng 52.000 căn, diện tích khoảng 1,56 triệu mét vuông.
Trước thực trạng đó, Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép các công ty quản lý nhà được tổ chức bán đối với các hồ sơ mua nhà đã nhận đến hết thời hạn (31.12.2010) theo các chế độ, chính sách đã được ban hành từ năm 2010 trở về, trước khi thực hiện Nghị định 61/CP trong năm 2011.
Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng lại
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 827/TTg-KTN, ngày 29.5.2008 (cho phép các địa phương thực hiện bán nhà theo Nghị định 61/CP đến hết 31.12.2010), Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép các Cty quản lý nhà được tổ chức bán đối với các hồ sơ mua nhà đã nhận đến hết thời hạn trên theo các chế độ, chính sách đã được ban hành từ năm 2010 trở về, trước khi thực hiện Nghị định 61/CP trong năm 2011.
Đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn lại sau ngày 31.12.2010, UBND TP sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, xác định cụ thể. Trường hợp khu nhà chưa bán hoặc đã bán một phần, có diện tích đất rộng, nằm trong khu vực quy hoạch không bị hạn chế phát triển, có thể xây dựng, cải tạo lại thì đề nghị không bán. TP có kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lại để hình thành quỹ nhà ở xã hội và được quản lý theo quy định của Luật Nhà ở.
Đối với những khu nhà, nhà ở thuộc diện không được bán hoặc người đang ở thuê không mua, TP có kế hoạch và cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lại để hình thành quỹ nhà ở xã hội.
Thu 40% tiền sử dụng đất đối với nhà ở 1 tầng
Cũng theo đề xuất của Hà Nội, đối với những khu nhà, nhà ở đã bán một phần hoặc chưa bán, không đủ điều kiện để có thể xây dựng, cải tạo hoặc phân tán gây khó khăn cho công tác quản lý đề nghị tiếp tục tổ chức bán theo tinh thần của Nghị định 61/CP, nhưng không xác định thời hạn bán, với giá bán thay đổi theo từng dạng nhà. Giá bán sẽ theo giá chuẩn nhà ở xây dựng mới do UBND TP ban hành hằng năm nhân với tỉ lệ chất lượng còn lại của nhà ở và hệ số nhà ở. Về giá đất, đối với nhà ở chung cư do Nhà nước xây dựng đề nghị thu 10% tiền sử dụng đất theo khung giá đất do UBND TP ban hành hằng năm theo Luật Đất đai năm 2003.
Đối với nhà ở chung đường phố đề nghị thu 10% tiền sử dụng đất nhân với với hệ số K = 1,5 (tương đương 15%); đối với nhà ở 1 tầng hoặc nhiều tầng 1 hộ ở đề nghị thu 40% tiền sử dụng đất theo khung giá đất. Đối với nhà ở có diện tích đất sử dụng riêng tại vị trí mặt đường, mặt phố có khả năng sinh lời cao và nhà biệt thự thuộc diện được bán đề nghị thu 40% tiền sử dụng đất nhân với hệ số K= 1,5 (tương đương 60%). Đối với các trường hợp mua nhà có phần diện tích đất ở vượt hạn mức, mua chuyển dịch nhà đất quy về một chủ, mua bổ sung diện tích đề nghị phần diện tích chưa bán thu 100% tiền sử dụng đất theo khung giá đất hằng năm.
Cũng theo kiến nghị của TP.Hà Nội, các trường hợp đứng tên chính chủ trong hợp đồng thuê nhà hoặc quyết định phân phối nhà ở trước ngày 27.11.1992, đề nghị tiếp tục được áp dụng các chế độ miễn - giảm tiền nhà, tiền sử dụng đất theo quy định khi thực hiện Nghị định 61/CP. Các trường hợp nhận chuyển nhượng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, phân nhà ở sau ngày 27.11.1992; các trường hợp mua vượt định mức đất ở, mua chuyển dịch nhà đất quy về một chủ, mua bổ sung diện tích không được áp dụng chế độ miễn - giảm tiền nhà, tiền sử dụng đất theo quy định khi thực hiện Nghị định 61/CP.