Công nghệ thông tin trong các trường chỉ là nhận - gửi email
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã nhận định khá toàn diện về thực trạng áp dụng CNTT vào giáo dục tại Việt Nam khi cho rằng: "Hiện nay, sự phát triển CNTT về các trường học chỉ đơn thuần là nhận - gửi email, gõ văn bản, quản lý điểm".
Game online có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trí tuệ, nhưng nếu đưa vào trong trường học cần có giải pháp đúng hướng.
Theo ông Hà Duy Bình, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Sử dụng phần mềm trình chiếu Microsoft PowerPoint để thiết kế giáo án và giảng dạy nặng về trình diễn, giáo viên bị lệ thuộc vào máy tính khi giảng bài. Từ việc giảng dạy nghèo nàn về nội dung, khiến HS nhàm chán. "Chúng ta chưa có những giải pháp hỗ trợ việc giảng dạy, phần mềm giảng dạy, công cụ giảng dạy, thí nghiệm mô phỏng, đánh giá hiệu quả dạy học và hệ thống quản lý dạy và học… dẫn đến lãng phí về đầu tư trang thiết bị vật chất và xuống cấp, lạc hậu nhanh do sử dụng không hiệu quả" - ông Bình khẳng định.
Thực tế cho thấy, 2 rào cản lớn nhất đối với ứng dụng CNTT trong dạy và học là năng lực, thái độ của giáo viên và thiếu trang thiết bị. Do vậy, TS Nguyễn Văn Hiền, ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất hai loại kỹ năng cần được đào tạo cho giáo sinh. Đó là kỹ năng về mặt công nghệ, như: Các thao tác trên máy vi tính, sử dụng hệ điều hành; khai thác mạng, xử lý hình ảnh đa phương tiện; biết xây dựng một website đơn giản và quản lý và tổ chức lớp học online… Bên cạnh đó, phương pháp dạy học, giáo sinh cần được trang bị kỹ năng lựa chọn bài dạy, xây dựng hình thức thể hiện bài dạy; tổ chức kiểm tra đánh giá dựa trên hoạt động; vận dụng tiếp cận thiết kế dạy học để thiết kế và tổ chức khóa học theo hướng đáp ứng cá nhân người học.
Đưa game online vào giảng dạy
Ngược lại với những ảnh hưởng của game online tới HS, SV, PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, việc ứng dụng các trò chơi game online vào giảng dạy và học tập sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục. Hoạt động này đã được nhiều nước ứng dụng với các trò chơi, đặc biệt là video game. Bà Yến phân tích: Game onlie sẽ kích thích, giúp HS tập trung hơn vào những kiến thức mà giáo viên cần truyền đạt; tạo cơ hội cho HS được vận dụng những kỹ năng và kinh nghiệm đã có. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, game online góp phần tăng cường hiệu quả giảng dạy của giáo viên trong việc đánh giá năng lực của HS, biết được HS gặp vấn đề gì để giáo viên đưa ra gợi ý giúp HS tìm kiếm thông tin…
Để tăng cường những tác động tích cực của game online trong giáo dục, bà Yến đề nghị ngành giáo dục khuyến khích thúc đẩy các game trực tuyến có tính giáo dục và giải trí cao. Nội dung game online khai thác về khoa học, văn hóa, lịch sử…; chú trọng hình ảnh để tạo các hiệu ứng hình ảnh, nhân vật, giao diện trở nên đa dạng và phong phú hơn. Tiếp đó là từng bước tích hợp game online vào giảng dạy.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Lê Vân Anh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, game online có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trí tuệ, nhân cách trong thanh thiếu niên về phát triển tâm lý, thể chất và sức khỏe. Tuy nhiên, cần có giải pháp về giáo dục để lĩnh vực này phát triển đúng hướng.