Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến mại vẫn... ế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại một số salon ô tô ở các tuyến đường như Giải Phóng, Trần Khát Chân, Trần Hưng Đạo..., không khí mua bán khá trầm lắng. Một chủ hiệu kinh doanh trên đường Giải Phóng cho biết: "Mấy tuần liền không bán được chiếc nào, nếu kéo dài kiểu này chắc phải… chuyển nghề!".

Cảnh chợ chiều

Ông Nguyễn Đăng Quang, quản lý trang web Mua bán xe (một trang web khá mạnh trong giao dịch xe), cho biết: "Thị trường sôi động nhất là Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM nhưng giao dịch các nơi này hiện khá trầm lắng vì thuế trước bạ đã tăng lên. Nhiều salon ô tô đã phải đóng cửa vì không thể cầm cự được qua thời gian dài ế ẩm". Ông Nguyễn Đăng Quang cho biết thêm, một số khách hàng đã chuyển sang mua xe cũ để né thuế trước bạ. Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc chi nhánh Anycar Hà Nội (một DN kinh doanh xe cũ), ngay cả lượng xe cũ bán ra năm nay cũng thê thảm.
Khuyến mại vẫn... ế - Ảnh 1
Việc sở hữu một chiếc ô tô hiện phải gánh quá nhiều loại phí và thuế khiến người mua ngập ngừng.Ảnh: Việt Hùng  
 
Dọc các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Lê Văn Lương (Hà Nội), có hàng chục salon ô tô, trước đây, chủ yếu bán xe mới, nay thay vào đó toàn những xe có biển. Hầu hết các cửa hàng bán xe cũ đều ngao ngán, cho biết khách chẳng có, cả tháng chẳng bán được chiếc xe nào. Nhiều đơn vị kinh doanh ô tô đã phải cho nhân viên nghỉ việc, thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí đã có salon ô tô phải đóng cửa.

Tồn kho lớn

Theo các DN ô tô, thông thường, 3 tháng cuối năm là dịp sôi động của thị trường ô tô Việt Nam và thường kết thúc vào đầu năm sau, tùy thuộc thời điểm Tết nguyên đán. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, thị trường chưa thể thoát khỏi cơn bĩ cực. Dựa trên các tổng hợp thông tin khách hàng của nhiều nhà cung cấp cho thấy, trước có hơn 60% khách hàng mua xe là các nhà đầu tư chứng khoán, vàng, ngoại tệ hoặc nhân viên tín dụng, ngân hàng. Khi nguồn lợi nhuận từ các kênh đầu tư này bấp bênh, giảm sút hoặc thậm chí thua lỗ, xe hơi cũng bị ảnh hưởng lớn. Ở một khía cạnh khác, cho dù nhiều cá nhân có dư tài chính, song trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhu cầu giữ an toàn đồng vốn vẫn được ưu tiên hơn so với nhu cầu mua xe. 

Xe không bán được nên tồn kho tăng cao, các DN như: Ford Việt Nam, GM… đang dẫn đầu về tồn kho lớn. Lượng ô tô nhập khẩu 10 tháng qua chỉ đạt khoảng 22.000 chiếc với giá trị khoảng 498 triệu USD, giảm 54% về lượng và giảm 44,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Để vượt khó trong thời điểm hiện tại, các DN ô tô đã liên tiếp tung "chiêu" giảm giá, khuyến mại, các dịch vụ hỗ trợ khách hàng… đến cả trăm triệu đồng/xe. Song song với việc đua nhau giới thiệu xe mới, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều DN còn tung ra các mẫu xe mới. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá.