Nhóm chuyên gia ngân hàng này cho rằng, lý do dẫn đến sự chênh lệch về số liệu là do các chuẩn mực kế toán được áp dụng để thống kê nợ xấu là khác nhau. Ngay tại những thị trường minh bạch, các chuyên gia cũng khẳng định, con số thực của nợ xấu thường gấp đôi so với số liệu công bố, ở những thị trường không minh bạch, con số này thường gấp 4 lần do sự sụt giá của các tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu được đánh giá là những bước đi tích cực. Trong ảnh: Giao dịch tại Chi nhánh của Techcombank.Ảnh: Trần Việt
Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng lưu ý rằng, nợ xấu của các ngân hàng nước ta sẽ thấp khi áp dụng chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Ngoài ra, việc nắm giữ cổ phiếu chéo như những ngân hàng lớn đều sỡ hữu cổ phần tại các ngân hàng nhỏ... đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam khiến việc nhận diện và giải quyết nợ xấu trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo, vấn đề nợ xấu tại Việt Nam đã thực sự bộc lộ rõ khi NHNN đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2011. Một lượng lớn khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Quản trị rủi ro yếu trong hệ thống ngân hàng (những quyết định cho vay dựa trên các yếu tố phi kinh tế) cũng làm trầm trọng hơn sự suy giảm này. Tuy nhiên, điều may mắn là do lĩnh vực ngân hàng thiếu kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu và chỉ có những sản phẩm khá đơn giản nên vấn đề khắc phục nợ xấu trở nên dễ dàng hơn dù vẫn thiếu minh bạch.
Từ những nhận định trên, Standard Chartered đưa ra 4 giải pháp để giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thứ nhất, việc tính toán nợ xấu cần phải được thực hiện cẩn thận vì các giải pháp không thể phát huy hiệu quả nếu nợ xấu không được nhận thức và phân bổ một cách đúng đắn. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu kỹ khi nào cần ghi nhận nợ xấu và ai sẽ là người chịu thiệt hại cuối cùng. Việc NHNN ban hành Thông tư về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu được nhóm chuyên gia của Standard Chartered đánh giá là một bước đi tích cực trong việc giúp các ngân hàng tuân thủ các tiêu chí khắt khe về phân loại nợ xấu.
Thứ hai, các ngân hàng cần trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng thông tư mới ban hành của NHNN về việc yêu cầu các ngân hàng phải chi nhiều hơn vào trích lập dự phòng từ tháng 6/2013. Thứ ba, NHNN nên thực hiện tái cấp vốn để giúp các ngân hàng có nguồn vốn cần thiết để tái tạo tình hình kinh doanh. Thứ tư, đại diện Ngân hàng Standard Chartered cũng kiến nghị ngành ngân hàng cần phải nâng cấp cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro.
Hiện, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngân hàng nhằm mục đích cải cách hệ thống đến năm 2015. Việc thành lập một công ty quản lý tài sản (AMC) để nhận giải quyết các khoản nợ xấu cũng đang được tiến hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề chưa rõ là nguồn chi phí lớn cho cải cách hệ thống ngân hàng sẽ được tài trợ như thế nào.Đối chiếu với dữ liệu lịch sử từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong quá trình xử lý nợ xấu từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, Standard Chartered lạc quan, nợ xấu của Việt Nam có thể kiểm soát được miễn là không vượt quá 20%.