Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến nghị phát triển mạnh kinh tế tư nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/12, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 tập trung thảo...

Kinhtedothi - Ngày 5/12, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 tập trung thảo luận các vấn đề về cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2014, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I đạt 5,09%, quý II đạt 5,25%, quý III đạt 6,19% và dự báo cả năm ước đạt trên 5,8% - tăng so với mức tăng trưởng 5,42% của năm 2013. Sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp, dịch vụ... duy trì đà phục hồi và phát triển.

 
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Trần Việt
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Trần Việt
Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực duy trì và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam đã được cải thiện tích cực nhờ sự quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng các đối tác cũng cảnh báo, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự vững chắc. Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khu vực tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn manh mún và gặp phải rất nhiều khó khăn. "Không quốc gia nào có thể phát triển nếu chỉ dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trên tinh thần đó, cải cách kinh tế cần tập trung tái cơ cấu, cổ phần hóa DN Nhà nước (DNNN), từ đó mới có thể khuyến khích khu vực tư nhân phát triển" - bà Victoria Kwakwa nói.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự phức tạp của tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tăng cường đối thoại, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2015, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển... Đặc biệt, năm 2014 - 2015, Chính phủ đặt mục tiêu cổ phần hóa 432 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. "Việc cổ phần hóa nhằm mục đích là nâng cao năng lực quản trị của DN, đặt DNNN trong điều kiện kinh tế thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Cùng với việc cổ phần hóa DNNN, Chính phủ đặt trọng tâm khuyến khích phát triển mạnh DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, tạo thuận lợi để DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động hiệu quả tại Việt Nam" - Thủ tướng Chính phủ cho biết.

Sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ

Về giải ngân vốn ODA, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, 3 năm gần đây đã được cải thiện đáng kể về thủ tục, quy trình, nguồn vốn đối ứng. Tuy nhiên, một số dự án lớn vẫn còn chậm, Việt Nam cam kết sẽ nhanh chóng sửa Nghị định 38 về quản lý, sử dụng vốn ODA.

Tại Diễn đàn, các đối tác phát triển khẳng định, dù khó khăn nhưng luôn sát cánh và ưu tiên vốn ODA cho Việt Nam. Ông Pierre Amilhat - Cục trưởng Cục châu Á, Trung Á, Trung Đông và Thái Bình Dương của Tổng cục Hợp tác Phát triển EU cho biết, dù EU vừa trải qua nhiều khó khăn, nhiều nước phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng Việt Nam vẫn là đối tác được ưu tiên: "Chúng tôi cam kết luôn hỗ trợ Việt Nam". Trước đó, EU đã công bố viện trợ không hoàn lại 400 triệu euro cho Việt Nam trong 7 năm tới để làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe và hoan nghênh những khuyến nghị, xây dựng thiết thực của các đối tác về cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững và hiệu quả hơn. "Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các bạn và sẽ hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách cũng như giải pháp điều hành kinh tế đã đặt ra trong năm 2015. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tư vấn về chính sách, kỹ thuật và hỗ trợ về nguồn lực của các đối tác. Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả những nguồn lực mà các bạn tài trợ" - Thủ tướng khẳng định.

Lần thứ hai được tổ chức, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), VDPF đang đi đúng hướng, theo hướng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam phát triển hiệu quả nhất.
Bà Victoria Kwakwa thay mặt WB - đối tác viện trợ đa phương lớn nhất cho Việt Nam khẳng định sẽ huy động đầy đủ các nguồn lực cho quá trình phát triển của Việt Nam. Các đối tác phát triển luôn sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam.