Trong gần 1/4 thế kỷ qua, ông Obama và ba người tiền nhiệm đều biến Iraq thành chiến địa. Ông Obama còn đặc biệt hơn những người tiền nhiệm kia ở chỗ vốn từng phản đối cuộc chiến tranh mà người tiền nhiệm trực tiếp là George W. Bush đã phát động ở Iraq, đã cam kết chấm dứt cuộc chiến tranh này khi ra tranh cử Tổng thống và trong thực tế cũng đã thực hiện cam kết ấy sau khi trở thành Tổng thống Mỹ. Trong số ba người tiền nhiệm của ông Obama đã từng gây chiến ở Iraq, chỉ có hai cha con nhà Bush đưa binh lính Mỹ vào tham chiến trực tiếp. Bill Clinton chỉ sử dụng không quân và tên lửa. Ông Obama phải xử lý hậu quả của cuộc chiến tranh mà người trước đã phát động với mục tiêu được ưu tiên hàng đầu là rút binh lính Mỹ về nước, thậm chí không phải chỉ có ở Iraq mà còn cả ở Afghanistan. Vì thế, chắc chắn ông Obama sẽ phải tránh như có thể được việc lại đưa binh lính sang trực tiếp tham chiến ở xứ này. Trước mắt, ông Obama sẽ không lặp lại kịch bản chiến tranh của người tiền nhiệm mà sẽ sử dụng phương cách tiến hành chiến tranh của Bill Clinton. Mỹ sẽ vừa dùng tiềm lực không quân và tên lửa từ xa cũng như máy bay không người lái trang bị vũ khí tấn công để tiêu diệt lực lượng và căn cứ của IS ở Iraq, vừa tìm cách thay đổi chính quyền hiện tại ở nước này. Ông Obama ý thức được rằng, vũ khí của Mỹ không thể giải quyết được ổn thỏa và lâu bền vấn đề Iraq. Mỹ buộc phải làm suy yếu IS và ngăn chặn khả năng IS thắng thế đủ mức lật đổ cả chính thể hiện tại ở Iraq. Mỹ vẫn muốn duy trì chính thể này như rồi sẽ ép có những thay đổi cơ bản về nhân sự và đường lối. Suy cho cùng, ông Obama giờ phải tìm cách khắc phục hậu quả của chính sách của chính mình ở Iraq.