Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch bản nào cho các cổ phiếu lớn?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả kinh doanh hợp nhất cả năm 2012 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đang chờ kiểm toán. Song, theo những công bố ban đầu cho thấy, nhiều DN lỗ, lỗ khủng và đáng chú ý là lỗ 2 năm liên tiếp.

Nếu năm 2013 tình hình tiếp tục không được cải thiện sẽ có không ít cổ phiếu (CP) của các DN lớn từng có thanh khoản cao sẽ phải đối mặt với nguy cơ rời sàn.

Lỗ là phổ biến

Chưa có thống kê đầy đủ từ cơ quan quản lý thị trường, song nhìn sơ bộ số DN kinh doanh lỗ không phải là nhỏ. Những cái tên buộc phải rời sàn như Công ty CP Viglacera Đông Triều (DTC) quý IV/2012 lỗ 12,51 tỷ đồng, lũy kế cả năm, lỗ hơn 67,8 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ có 40 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco (VES) lỗ 15,5 tỷ đồng trong năm 2012 và là năm thứ 3 lỗ liên tiếp (2010 lỗ 4,69 tỷ, 2011 lỗ 6,89 tỷ đồng)…

Công ty chứng khoán (CTCK) Phú Hưng lỗ trên 100 tỷ đồng, chứng khoán Âu Việt lỗ lũy kế trên 100 tỷ đồng, Viglacera Thăng Long (TLT) lỗ lũy kế tới cuối quý III/2012 là 117 tỷ đồng/vốn chủ sở hữu là 48 tỷ đồng…  Đáng chú ý trong những tên tuổi lớn có lợi nhuận âm quý IV/2012, lần đầu tiên có tên các ngân hàng lớn như Sacombank, ACB…

Kịch bản nào cho các cổ phiếu lớn? - Ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp phải rời sàn vì kinh doanh thua lỗ. Ảnh: Phạm Yên

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán cho thấy, năm 2012 có tới 21 CP bị hủy niêm yết, phần lớn do DN kinh doanh thua lỗ. Ước tính, năm 2012 số DN niêm yết lỗ lũy kế là 143 công ty, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ; số công ty có lợi nhuận sụt giảm là 438, tăng 12%; lợi nhuận trên vốn chủ của các DN trung bình chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với lãi vay. Thậm chí, đến quý IV/2012, tình hình kinh doanh của các DN vẫn rất ảm đạm, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục đi xuống, khiến cho bức tranh lợi nhuận nếu được thống kê đầy đủ sẽ càng nhiều điểm tối.

Nguy cơ rời sàn

Trong số những DN báo cáo lỗ năm thời gian qua, có 2 cái tên đáng chú ý đó là: Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVX) và Công ty Sudico. Đây là năm thứ 2 liên tục, PVX lỗ khủng (lên tới gần 1.300 tỷ đồng). Giải trình nguyên nhân thua lỗ, DN này cho rằng, bởi họ phải “ôm” nhiều công ty kinh doanh BĐS, tồn tại của một thời đầu tư ngoài ngành. Trong khi đó, các công trình xây lắp đều bị cắt giảm hoặc chưa thanh toán đúng hạn. Nếu nhìn vào danh mục khoảng gần 40 DN thành viên của PVX có thể thấy, phần lớn giá CP của các DN đang niêm yết trên sàn chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/4 mệnh giá, trích lập dự phòng cho những CP này đã ngốn một khoản lớn. Song đáng chú ý, bản thân PVX hoạt động kém hiệu quả, bộ máy cồng kềnh và nguồn lực chưa tập trung chính cho các dự án xây lắp dầu khí. Với viễn cảnh của thị trường chứng khoán năm 2013 và triển vọng ngành BĐS, xây dựng chưa mấy sáng sủa, khả năng lỗ tiếp của PVX khá rõ ràng, đồng nghĩa với một CP lớn, từng có tính thanh khoản nhất sàn HNX phải đối diện với nguy cơ rời sàn trong thất vọng của hàng chục ngàn cổ đông.

Tương tự PVX, Công ty Sudico, một DN có CP từng nổi như cồn với mã SJS (từng đạt trị giá 800.000 đồng/CP) cũng ghi nhận lỗ 2 năm liên tục với số lỗ  hơn 300 tỷ đồng năm 2012. Năm 2013, Sudico buộc phải có lãi nếu không muốn rời sàn. Giám đốc một CTCK bình luận, do đã có sẵn BĐS là biệt thự, nhà liền kề và các hạng mục của Dự án Nam An Khánh chờ bán, Sudico có khả năng tạo nguồn tiền, song thách thức rất lớn của DN này hiện nay là tính thanh khoản trên thị trường BĐS hiện quá thấp.

Rời sàn là kịch bản không DN nào mong muốn, bởi vậy, năm 2013 thị trường sẽ chứng kiến nhiều cuộc vật lộn của DN để tồn tại và trụ lại trên sàn nếu không muốn rơi vào cảnh vỡ trận, rời sàn và CP trở thành vô giá trị.