Kích cầu tổng thể

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Yêu cầu đặt ra là không chỉ khắc phục khủng hoảng y tế mà còn cấu trúc lại nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần có gói chính sách đặc biệt đủ lớn, trọng tâm trọng điểm. Chấp nhận bội chi 1% mỗi năm và kéo dài trong 2 năm tới, đây là gói hỗ trợ quy mô chưa từng có (hơn 800.000 tỷ đồng). Một gói kích thích kinh tế là cần thiết, nhưng cần đúng đối tượng, trúng vấn đề, đồng thời triển khai làm sao để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm Chính phủ cần thực thi chính sách bao gồm cả tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ sản xuất, kích cầu tiêu dùng. Thực tế cho thấy, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chấp nhận tăng bội chi và nợ công để chống suy thoái kinh tế. Điều chắc chắn là, thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh hiện nay sẽ càng khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, thâm hụt ngân sách khi đó sẽ càng bị khuếch sâu hơn, nợ công đương nhiên sẽ tăng nhanh.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần trúng và đúng đối tượng để tạo ra tác động lan tỏa, để nâng cao hiệu quả trong khâu thực thi. Đơn cử như về chính sách hỗ trợ thuế, phí như vừa rồi giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước nhưng tổng thu lệ phí trước bạ lại tăng lên do người dân tăng mua xe. Hay việc tổ chức các hoạt động kích cầu như tháng khuyến mại, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa

Ngoài ra còn một loạt các kiến nghị đề xuất giảm thuế VAT từ 1 – 2%; giảm phí BHXH 5 - 10%, giảm thuế bảo vệ môi trường năm 2022 khoảng 30%, giảm thuế phí trước bạ ô tô trong nước 50% trong 6 tháng 2023. Đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10% và có thể nới vào tháng cuối cùng này để đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, DN dư địa có hẹp hơn so với tài khóa, nhưng vẫn có thể phấn đấu giảm thêm 0,5 - 1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022. Ngoài ra còn cần có chính sách bảo lãnh vay vốn DN nhỏ và vừa với khoảng 80.000 tỷ đồng… quan trọng là DN phải tiếp cận được vốn và dòng vốn phải vào sản xuất kinh doanh chứ không phải chảy vào chứng khoán, bất động sản.

Với gói an sinh xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo nghề với mức hỗ trợ 6.800 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ khác như giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022; hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ của DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo… Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đòi hỏi giải pháp chính sách hỗ trợ đưa ra cần gắn sát với thực tiễn, hơi thở cuộc sống, hỗ trợ kịp thời, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố bền vững trong dài hạn.

Theo tính toán, gói hỗ trợ có thể giúp GDP tăng thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm so với trường hợp không áp dụng. Nếu được hỗ trợ, dự báo GDP sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022, và 7,5% trong năm 2023. Hơn lúc nào hết, để kinh tế không lỡ nhịp tăng trưởng, phải sớm đưa ra và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cũng trong chương trình hỗ trợ, dự kiến dự án 1 luật sửa 8 luật, nếu được Quốc hội thông qua cũng sẽ là yếu tố thể chế, cải thiện đáng kể điều kiện và môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian tới, qua đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam sau đại dịch phục hồi và tăng trưởng một cách bền vững.