Không có nhiều cái mới
Điểm qua các tụ điểm sân khấu lớn của Hà Nội có thể kể trên 10 vở kịch đang sáng đèn chờ khán giả nhí. "Đêm hội trăng rằm", "Cổ tích cười", "Chuyện chàng dũng sĩ", "Ngày xửa ngày xưa", "Vua lợn"… đã được các đơn vị tổ chức treo baner quảng cáo hơn một tháng trước. Nhưng đúng như cảm nhận của nhiều người, mà đạo diễn Như Lai cũng thừa nhận: "Chương trình không có nhiều đổi mới, "Cổ tích cười" vẫn theo thiên hướng hoạt cảnh, có tình huống vui vui. Vẫn là chú Cuội, chị Hằng xuống trái đất, gặp gỡ thiếu nhi có bạn chăm ngoan, bạn còn ham chơi và đưa ra lời khuyên, với sự tham gia của các nghệ sĩ đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi trẻ: Hương Tươi, Tùng Linh, Trần Hoàng, Duy Anh, Quang Ánh". Vở của Nhà hát Chèo Hà Nội hay Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vẫn là "chú Cuội" Minh Vượng hoặc NSƯT Anh Tú với hàng loạt ấp ủ nhạc kịch lấy cảm hứng từ cổ tích.
Một cảnh trong “Cổ tích cười 2014” do Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn.
|
Trả lời câu hỏi "có gì mới", NSƯT Minh Vượng khoe: "Năm nay chú Cuội ra Trường Sa đấy". Và đó cũng là cách Minh Vượng hy vọng kịch của mình thoát khỏi sự bó buộc của cổ tích. Sân khấu Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội từ 6 - 8/9 sẽ là chương trình ca múa nhạc tạp kỹ ăn theo sự nổi tiếng của Quang Anh - quán quân Giọng hát Việt nhí 2013, cặp dancesport nhí Đăng Quân - Bảo Ngọc được biết đến nhiều trong "Tìm kiếm tài năng Việt". Còn tại Nhà hát Tuổi trẻ, ngoài các dự án sân khấu thiếu nhi quen thuộc, vở kịch "Hoàng tử gấu và hạt đậu thần" hợp tác với Idecaf vừa rồi chính là bước thử để thay đổi phong cách. Vở sẽ tiếp tục diễn phục vụ khán giả Tết Trung thu này, nhiều trường đặt hợp đồng nhân dịp đầu năm học. "Sắp tới, chúng tôi có thể chọn một câu chuyện cổ tích Grim, cốt truyện và thông điệp mạch lạc, sâu sắc hơn để dựng vở. Điều đặc biệt là có thể chúng tôi mời đạo diễn Đức dàn dựng, để thay đổi phong vị" - ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tâm sự.
Bao giờ chạm đích chuyên nghiệp?
Gần 10 năm nay, chưa từng vắng mặt mỗi mùa sân khấu đỏ đèn cho thiếu nhi, nhưng nghệ sĩ Xuân Bắc cũng phải thừa nhận: Sân khấu Việt chưa từng có kịch chuyên nghiệp cho thiếu nhi. "Khi tôi làm luận văn tốt nghiệp, hầu như không có tài liệu về nghệ thuật biểu diễn cho thiếu nhi ngoài 2 cuốn sách của NSND Phạm Thị Thành" - nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết. Có rất nhiều nguyên nhân để người ta đổ lỗi cho việc sân khấu thiếu nhi "ăn theo" mùa vụ. "Nào thì các em không đòi hỏi nhiều, nên nghệ sĩ lười sáng tạo. Mặt khác, phụ huynh đưa con đi xem theo quán tính, rằng, Trung thu thì phải cho con đến nhà hát nên nghệ sĩ làm việc theo tinh thần đó" - đạo diễn Như Lai bày tỏ.
Thế nhưng, nghệ sĩ Xuân Bắc rất hiểu một trong những tiêu chí để trẻ em phát triển một cách toàn diện là nâng cao nhận thức về nghệ thuật. Thông qua nghệ thuật các em hiểu và yêu cái đẹp, biết chia sẻ, cảm thông, đấu tranh cho lẽ phải, biết thương người yếu, căm giận thế lực đen tối. Song để kịch của thiếu nhi trở thành sân chơi đích thực thì ngoài việc thay đổi nhận thức của trẻ và phụ huynh, thì diễn viên là đối tượng đầu tiên cần phải điều chỉnh. Thế nên "Một sản phẩm đưa ra dù cho bất kỳ ai đều phải làm hết sức chỉn chu, tròn trịa; Luôn cố gắng hướng tới sự trọn vẹn về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức, làm tốt nhất ở mức độ có thể" là điều Xuân Bắc mong muốn. Nếu làm được điều đó, chắc chắn sân khấu cho thiếu nhi sẽ chạm được tới đích chuyên nghiệp.