Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch của Lưu Quang Vũ vẫn lay động lòng người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn nửa tháng trước ngày công diễn đã có vở “cháy vé”; Có những ngày, số...

Kinhtedothi - Hơn nửa tháng trước ngày công diễn đã có vở “cháy vé”; Có những ngày, số vé bán ra lập kỷ lục - trên 300 vé/ngày. Đó là những con số báo hiệu sức “nóng” của chuỗi đêm diễn các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với chủ đề "Nhớ anh” từ ngày 28/8 - 1/9.

Diễn để “Nhớ anh”

Đã 26 năm chia tay trần thế, có lẽ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng không ngờ những tác phẩm của mình vẫn giữ được sức sống bền bỉ trong lòng công chúng đến vậy. 5 đêm diễn (từ 28/8 - 1/9) với 5 vở kịch: “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi Trẻ), “Bệnh sĩ”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội) được làng kịch gọi vui là “festival kịch Lưu Quang Vũ tại Hà Nội”. Cũng đúng, bởi lần đầu tiên kịch không diễn ở sân khấu Nhà hát lớn, ở Rạp Đại Nam, Rạp Tuổi trẻ... như vẫn thường thấy, mà được đưa đến Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội - nơi có sức chứa gấp đôi các rạp khác và thường là chỗ dừng chân của các đêm diễn ca nhạc. Điều đặc biệt ở đây là giá vé. Nếu như những chương trình nghệ thuật diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội rất ít khi có giá vé dưới 1 triệu đồng, thì lần này giá vé của những đêm diễn chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng.
Một cảnh trong vở kịch “Lời thề thứ 9”.
Một cảnh trong vở kịch “Lời thề thứ 9”.
 
Giải thích về lý do giá vé rẻ, bà Hoài Oanh - Giám đốc Công ty CP Giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô - đơn vị tổ chức chương trình “Nhớ anh” cho biết: “Chúng tôi không tính đến lỗ, lãi khi tổ chức chương trình này. Chúng tôi chỉ có một niềm mong mỏi duy nhất là có càng nhiều khán giả Thủ đô đến thưởng thức kịch Lưu Quang Vũ càng tốt. Chúng tôi làm vì niềm mến mộ một con người tài hoa”. Và chắc chắn chẳng ai đong đếm được sự lỗ, lãi trong kịch của Lưu Quang Vũ. Nếu “bà bầu” Hoài Oanh mở các đêm diễn chỉ để “Nhớ anh”, không toan tính một cuộc làm ăn như bao sự kiện khác, thì 3 nhà hát được chiêu mộ lần này cũng chẳng nỡ hét cát xê quá cao. Theo tiết lộ của bà Hoài Oanh: “Hiện nay, trung bình mỗi show diễn của Xuân Bắc có giá từ 50 - 80 triệu đồng, song xuất hiện tại vở “Bệnh sĩ” lần này, gần như cậu ấy diễn không công”. Nói như NSƯT Chí Trung: “Tổ chức những chương trình như "Nhớ anh" để khán giả không bị nhầm tưởng về nghệ sĩ là cuộc sống xa hoa, là những sô diễn với giá vé 6 triệu đồng/cặp như các liveshow ca nhạc. Đó chỉ là con số rất ít thôi. Còn chúng tôi, hàng trăm, hàng ngàn nghệ sĩ vẫn đang cống hiến cho nghệ thuật bằng trái tim và tình yêu”.

Chưa khi nào vắng khán giả

Không chỉ tại “festival kịch Lưu Quang Vũ” này mới có vở diễn "cháy vé" trước cả tháng hay đạt kỷ lục bán hơn 300 vé/ngày. Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ còn chưa quên không khí mà kịch Lưu Quang Vũ tạo ra trong chuyến lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh tháng 9 năm ngoái: Những đêm diễn "cháy vé", khán giả ra khỏi rạp tấm tắc khen, hả hê sung sướng với những điều tác giả đã viết cách đây 25 năm mà vẫn nguyên vẹn tính thời sự. Còn ở Hà Nội, mặc dù diễn vào ban ngày, nhưng chưa khi nào rạp Tuổi trẻ vắng khách khi "Lời thề thứ 9" và "Mùa hạ cuối cùng" công diễn. Thế mới thấy, giữa lúc chính kịch khó lấy được lòng khán giả, những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn luôn đủ sức lay động lòng người, dù đó là chuyện quan tham hay những chuyện nhân tình thế thái ở đời.

"Các vở kịch sẽ có nhiều nét đổi mới so với các lần công diễn khác. Đặc biệt là vở "Bệnh sĩ" cũng được đạo diễn NSƯT Tuấn Hải chỉnh sửa nhiều chi tiết cho hợp với tính thời đại" - đó là lời khẳng định của bà Hoài Oanh về chuỗi các vở diễn của Lưu Quang Vũ sắp trình diện. Với những vở kịch khẳng định giá trị qua vài chục năm, với hứa hẹn về một lần biểu diễn hấp dẫn, các đêm công diễn các vở kịch của Lưu Quang Vũ đang là sự kiện trông ngóng không chỉ của làng sân khấu mà của cả khán giả Hà Nội.
 
Lịch diễn 5 vở kịch của Lưu Quang Vũ: “Bệnh sĩ” (ngày 28/8); “Đêm thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh” và “Lời thề thứ 9” (29/8); “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (30/8); “Nàng Sita” (31/8); “Mùa hạ cuối cùng” (1/9).