Luồng gió mới chưa tìm được giá trị
Tâm huyết gây dựng phong cách hình thể của NSND Lan Hương gặp đúng thời điểm vở kịch hình thể "Giấc mơ hạnh phúc" thành công tại Liên hoan sân khấu kịch quốc tế tổ chức tại Sơn Đông (Trung Quốc). Người trong nghề đánh giá đó là sự ra mắt ấn tượng chưa từng thấy của một thể loại kịch mới ở Việt Nam.
Hơn nữa, lúc ấy, Nhà hát Tuổi trẻ đang ở thời kỳ vàng son, nên dễ dàng hỗ trợ kinh phí cho thời điểm khởi đầu của đoàn kịch. Ngoài ra, năm 2002, khán giả Việt đang đặc biệt chú ý đến các thể loại nghệ thuật du nhập như: Nghệ thuật sắp đặt, kịch hình thể. Tiếp nối sức bật của "Giấc mơ hạnh phúc", Đoàn kịch hình thể lại tạo hiệu ứng với vở diễn "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử".
Một cảnh trong vở "Nguyễn Du với Kiều"
Thế nhưng, khi dư âm của sự mới lạ bắt đầu bị sao nhãng, khán giả và người làm chuyên môn bắt đầu xăm soi kỹ thuật hình thể của diễn viên. Với các vở "Khúc ngẫu hứng từ cô bé bán diêm", "Con bệnh bí hiểm", "Nhật nguyệt thực"…, hình thể trở thành tâm điểm của sự phê bình. Và những nhược điểm ở động tác không đều, gương mặt biểu cảm không tốt, vũ đạo không lột tả được xúc cảm và câu chuyện, không lay động được người xem... bắt đầu lộ diện.
NSND Phạm Thị Thành tiết lộ, rất nhiều bạn bè của bà khi xem xong kịch hình thể đều nói không hiểu. Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng khái: "Loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, nếu không có khán giả, sẽ chết. Chúng ta phải tìm đường tiếp cận với khán giả". Còn NSƯT Lê Chức thì cho rằng: "Kịch hình thể đừng bắt khán giả phải xem vội, mà hãy dẫn giải họ vào thế giới kỳ ảo của những động tác cơ thể biết nói".
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, người đã theo sát sự phát triển của kịch hình thể trong nhiều năm qua và đặc biệt ủng hộ NSND Lan Hương, cũng thẳng thắn nhận định: "10 năm qua, dù đã có những nỗ lực đáng trân trọng, kịch hình thể vẫn chưa có được một tác phẩm thực sự giá trị, hay một trích đoạn điển hình.
Trong dịp kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam vừa rồi, Hội đã chủ trương đưa một trích đoạn kịch hình thể vào chương trình, nhưng cuối cùng không tìm được một trích đoạn nào xứng đáng". Và 10 năm qua, những vở kịch hình thể vẫn chỉ là luồng gió mới chưa tìm được giá trị, chỗ đứng trong nền sân khấu Việt.
Nỗi lo diễn không công
Vấn đề lớn nhất của Đoàn kịch hình thể hiện nay là "tiền đâu để dựng vở". Bởi theo ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, mỗi năm Nhà hát được Nhà nước cấp kinh phí 1 tỷ đồng, phân đều cho các đoàn để đầu tư hai vở diễn mới (300 triệu đồng/vở) và nâng cấp hai vở diễn cũ (200 triệu đồng/vở).
Kịch hình thể bị thiệt thòi nhất trong các đoàn ở Nhà hát khi được cấp kinh phí rất "bèo bọt". Chính vì vậy, hầu hết các vở kịch hình thể do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đều lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa, phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước rất khiêm tốn. Nhiều vở được dựng từ kinh phí do phía quốc tế tài trợ và biểu diễn miễn phí. Nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm nguồn tài trợ như vậy thật không dễ. Sau vở diễn "Nguyễn Du với Kiều", Đoàn kịch hình thể gần như phải tạm dừng sản xuất, bởi vì NSND Lan Hương không tìm đâu ra kinh phí để dựng vở mới.
"Với kinh phí như thế, việc đào tạo, tập huấn cho nghệ sĩ, diễn viên trở nên khó khăn. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng diễn viên vẫn chưa tiến bộ là bao sau nhiều năm làm nghề. Chất lượng diễn viên yếu lại làm hạn chế nhiều đến chất lượng tác phẩm, dù đạo diễn có khéo tay", NSND Lan Hương cho biết.
Cho dù, rất nhiều ý kiến mong muốn Nhà hát Tuổi trẻ tạo cơ chế đầu tư riêng cho Đoàn kịch hình thể, nhưng sẽ là rất khó bởi vì tất cả các vở diễn của Nhà hát cũng đang trầy trật bán từng chiếc vé, lo từng đồng diễn. Và để kịch hình thể sau 10 năm hết thời thử nghiệm sẽ cần nhiều hơn sự cố gắng của nghệ sĩ và của Nhà hát.