Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ hàng đầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Năm 2012, trong khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó, và Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để có thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011 - 2015".

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong buổi hội thảo về "Dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015" được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chưa hết âu lo

Trong bối cảnh vẫn còn chịu tác động không thuận từ sự phục hồi tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, cùng với khó khăn tồn tại nhiều năm, năm 2012 kinh tế Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 5,2%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 16,6%. Bội chi ngân sách khoảng 4,8% so với GDP. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được giữ ổn định ở mức một con số (khoảng 8%). Tạo việc làm mới cho hơn 1,5 triệu lao động, và tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước ước giảm 1,76%. Việc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa cũng có những chuyển biến tích cực. Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với mức từ 5 - 8% so với cùng kỳ năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.  

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ hàng đầu - Ảnh 1
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam.Ảnh: Thanh Hải
 
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, kinh tế Việt Nam năm 2012 cũng tồn tại nhiều vấn đề lớn mà theo các chuyên gia, sẽ có tác động không nhỏ tới sự phát triển chung của đất nước thời gian tới. Một trong những vấn đề nổi cộm là hàng tồn kho. Theo thống kê, chỉ số hàng tồn kho của thị trường nội địa vẫn còn cao (dù đang có xu hướng giảm dần), tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ô tô, xe máy, sắt thép, thủy hải sản, thuốc lá, dệt may, phân bón,… thuộc nhóm DN có vốn FDI, nhỏ và vừa nằm trên địa bàn các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương,… 

Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, năm 2012 chỉ số hàng tồn kho của nhóm này chiếm tới 48,5%.Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012 rất khó khăn do tình trạng hụt thu khá lớn xảy ra ở nhiều lĩnh vực và địa phương, đặc biệt ở các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư có nguồn thu lớn như TP. HCM, Bình Dương, Vĩnh Phúc,… gây ảnh hưởng đến cân đối NSNN. Bên cạnh đó là tình trạng nợ xấu diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản, ảnh hưởng lớn tới khả năng tiếp cận vốn của DN. Xuất khẩu tính đến hết quý III/2012 ước đạt 83,79 tỷ USD, tăng khoảng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng chủ yếu dựa vào tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp thuộc các DN có vốn FDI; trong khi đó, xuất khẩu của nhóm các DN trong nước lại giảm 0,55%.    

Sự phát triển không đồng bộ của các thành phần kinh tế cũng khiến các vấn đề xã hội nảy sinh phức tạp mà yếu tố việc làm chịu tác động nhiều nhất. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính tới quý 3/2012, số người đăng ký thất nghiệp đã lên tới 345,5 ngàn người (tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2011).

Cần những bước đi cụ thể

Trong năm 2013, dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi chậm, cùng với việc nguồn cung ODA có dấu hiệu giảm sút sẽ có tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. TS Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo chung của Chính phủ là nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và giữa phát triển kinh tế với văn hóa, quốc phòng, an ninh. 

Để thực hiện điều đó, ông Muôn khuyến nghị, cần thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa đồng bộ, chặt chẽ; thực hiện nghiêm việc cắt giảm và quản lý tốt đầu tư công; tạo thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh, hỗ trợ có chọn lọc những ngành, lĩnh vực quan trọng có hiệu quả và lợi thế cạnh tranh.Ở một khía cạnh khác, vấn đề xử lý nợ xấu và phân bổ NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản được TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh. Ông Kiên cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được giải quyết một cách đồng bộ. Trong quá trình tái cơ cấu phải đảm bảo tính thanh khoản, chính sách tín dụng, huy động, cho vay, điều hành lãi suất hợp lý nhằm tránh lạm phát tăng cao. Năm 2013 sẽ tiến hành phân loại nợ xấu nhằm tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng loại khác nhau.

Một số chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại đối với việc phân bổ NSNN. Theo đó, khuyến nghị được đưa ra là Chính phủ cần tăng cường quản lý chi và thẩm định chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tránh thất thoát và bảo đảm lợi ích của người dân.   

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận T.Ư, dự báo kinh tế trong nước và thế giới những năm tới sẽ còn khó khăn, nguy cơ tái lạm phát vẫn còn, do đó, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô làm nhiệm vụ hàng đầu. "Rút kinh nghiệm sâu sắc từ những vấp váp trong điều hành chính sách tiền tệ, giá cả, Nhà nước sẽ chú trọng thực hiện linh hoạt thận trọng chính sách tài khóa kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước phục hồi tăng trưởng", GS.TS Phùng Hữu Phú nhận định.

 
"Trong khoảng 25 năm qua, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã lên tới con số 200 tỷ USD với hơn 14.000 dự án đầu tư công nghiệp, trong đó có sự xuất hiện của Canon, Samsung, Toyota, Intel… Với những lợi thế lớn về nhân tố con người, Việt Nam sẽ đóng vai trò là xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới trong tương lai không xa". - TS PATRICK DIXON - Chủ tịch Tổ chức Tư vấn và nghiên cứu xu thế toàn cầu Globalchange