KTĐT - Đó là chủ đề được các chuyên gia bàn thảo tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2010 mới đây. Trong đó, nỗi lo tái lạm phát được nhiều diễn giả đề cập.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM cho rằng, trước khi dự báo kinh tế năm 2010 cần xem lại chính sách của năm 2008 và năm 2009. Theo đó, chỉ trong năm 2008, chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam thay đổi hai lần: Nếu như đầu năm 2008 thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ, thì đến cuối năm 2008, đầu năm 2009 thực hiện 5 nhóm giải pháp (trong đó có gói kích thích kinh tế), thay đổi chính sách hoàn toàn, nhưng đã đáp ứng được nhu cầu. “Năm 2009 đối diện một vấn đề vô cùng phức tạp, đó là lần đầu tiên trong 10 năm, tất cả nguồn cung ngoại tệ cùng lúc đều giảm, xuất khẩu giảm, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, du lịch giảm và kiều hối cũng giảm. Như vậy, cùng một lúc, tất cả nguồn cung giảm. Đó là áp lực rất lớn cho nền kinh tế”, TS. Lịch nhận xét. “Tôi cho rằng, nền kinh tế tiếp tục “ủ bệnh”, nếu không giải quyết cơ bản khó khăn bên trong, cứ dùng những liều thuốc bên ngoài sẽ không trị được dứt bệnh”, ông Lịch nói và cho biết, nếu năm 2010, kinh tế thế giới diễn biến tích cực, phục hồi ấm trở lại thì kinh tế Việt Nam lại “lôi thôi” chứ không phải là tốt. Vì nếu như tình hình thế giới ấm lên, xuất khẩu hàng hóa tăng trở lại, giá cả tăng thì nguy cơ tái lạm phát là rất lớn. Do đó, nguy cơ lớn nhất năm 2010 vẫn là vấn đề tái lạm phát. Vì vậy, trong năm 2010, Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Đồng tình quan điểm trên, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, năm 2010, khi kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, hiện kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, điều này được chứng minh bằng GDP, sản lượng công nghiệp… đều tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng này chưa bền vững. “Chúng ta sẽ đối mặt với rủi ro đồng Việt Nam định giá cao so với đồng USD (có lợi cho nhập khẩu). Điều này sẽ tác động tới tỷ giá, tạo sức ép lên cán cân thanh toán của Việt Nam. Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh, năm 2010, nước ta sẽ đối mặt với những rủi ro sau: Về mặt vĩ mô sẽ là thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, thâm hụt thanh toán, áp lực phá giá đồng tiền, lạm phát có nguy cơ quay trở lại. Rủi ro về mặt thị trường, đó là thương mại thế giới tăng trở lại nhưng không tăng đột biết, vì vậy nhu cầu sản phẩm của Việt Nam không tăng nhiều.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2010, kinh tế thế giới vẫn chưa có thay đổi đột biến, điều này sẽ có nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà các chuyên gia cảnh báo, đó là nguy cơ tái lạm phát. Doanh nghiệp cần nhất là ổn định kinh tế vĩ mô để họ yên tâm sản xuất. Hiện đã nhìn thấy những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2010, đó là kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng. Như vậy, doanh nghiệp cần nhất là chính sách vĩ mô ổn định. “Năm 2010 doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến tăng trưởng tín dụng, tỷ giá… xem xét các cơ hội nào có thể tận dụng dụng được từ kinh tế thế giới phục hồi, thương mại tăng trở lại”, TS. Anh nhấn mạnh.