PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, KĐCLGD ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới đã trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc, thậm chí là điều kiện tồn tại của nhiều cơ sở giáo dục, trước hết là giáo dục ĐH. Trong khi đó, ở Việt Nam, KĐCLGD vẫn là lĩnh vực chưa được nhiều người quan tâm đúng mức, mặc dù nó góp phần giảm khâu kiểm soát chất lượng lâu nay vốn cồng kềnh, đồng thời thông qua đó nâng cao quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
|
Khi Việt Nam hội nhập, chúng ta không thể đứng ngoài quá trình đạo tạo nhân lực mà không có kiểm định giáo dục ĐH theo chuẩn mực quốc tế. Giáo dục ĐH Việt Nam muốn phát triển lành mạnh, theo kịp thế giới thì phải chấp nhận qua kiểm định giáo dục độc lập để nhận rõ mình đang đứng ở đâu, mạnh yếu thế nào, cần cơ cấu lại và đầu tư ra sao.
“Trung tâm KĐCLGD của Hiệp hội sẽ tập hợp được những chuyên gia hàng đầu về kiểm định giáo dục kể cả trong nước và quốc tế, phải dành nhiều tâm sức để xây dựng và phát triển Trung tâm tương xứng với kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 400 trường ĐH, CĐ” – ông Trần Xuân Nhĩ hy vọng.
Phát biểu tại lễ ra mắt trung tâm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, chúng ta đang chuyển từ cơ chế kiểm tra sang giao quyền tự chủ cho các trường đi kèm với giải trình và công khai để đảm bảo chất lượng. Sự ra đời của 4 trung tâm KĐCLGD phải giúp cho các trường và xã hội nhiều nhất cũng như có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị để cùng nhau phát triển. Trước đây, các trường né thanh tra, nhưng KĐCLGD là cơ hội giúp các trường nhìn ra giải pháp để phát triển.