Kiểm định xong 13 đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Vẫn chưa hẹn ngày “về đích”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/12, Cục Đăng kiểm Việt Nam phát đi thông tin, công tác kiểm tra đối với 13 đoàn tàu sẽ được sử dụng tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất. Dù vậy, ngày “về đích”của dự án này vẫn là một ẩn số.

 13 đoàn tàu đã kiểm định xong nhưng đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Tạo điều kiện để vận hành thử toàn hệ thống
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, công tác kiểm định đối được tiến hành từ tháng 9/2018. Dù công tác kiểm định đối với 13 đoàn tàu đã xong nhưng giấy chứng nhận kiểm định chính thức sẽ chỉ được cấp sau khi dự án kết thúc vận hành thử và được tổ chức đánh giá độc lập về an toàn đường sắt đô thị cấp giấy chứng nhận an toàn cho hệ thống.
Do đó, nhằm phục vụ công tác vận hành thử hệ hệ thồng, Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm định tạm thời cho 13 đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Mặc dù được tạo điều kiện bằng cách cấp giấy chứng nhận kiểm định tạm thời cho các đoàn tàu nhưng đến thời điểm hiện tại, do Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết nên công tác vận hành thử không thể diễn ra như kế hoạch và chắc chắn “dateline” kết thúc vận hành thử vào ngày 31/12/2019 sẽ không thể hoàn thành.
Tổng thầu cố tình gây khó?
Việc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục bị vỡ tiến độ và phải lùi “dateline” là điều được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Và, lần nào cũng vậy, mỗi lần vỡ tiến độ như thế, cái tên “Tổng thầu EPC” lại được nhắc đến với tư cách là “thủ phạm” chính khiến dự án bị “sa lầy” như hiện nay. Còn nhớ trong cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ quý III/2019 (buổi họp báo diễn ra ngay sát với thời điểm Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận được không ít câu hỏi về vấn đề chậm tiến độ và nguyên nhân khiến cho dự án này liên tục bị vỡ tiến độ. Trước những câu hỏi này, lãnh đạo Bộ GTVT không ngần ngại chỉ đích danh: “Lỗi thuộc về Tổng thầu”.
Không lâu sau đó, khi đơn vị tư vấn độc lập giá an toàn hệ thống là Tổng Công ty Tư vấn ACT của Pháp (đơn vị được Bộ GTVT thuê đánh giá độ an toàn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông) khẳng định “dự án không bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng, không đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định” thì đại diện Tổng thầu EPC cho rằng DN không thể cung cấp thêm các hồ sơ theo yêu cầu của đơn vị đánh giá an toàn hệ thống của Pháp theo yêu cầu của Công ty tư vấn ACT. Thậm chí, đại diện Tổng thầu này đưa ra lý do rất khó chấp nhận cho việc không thể cung cấp thêm hồ sơ là vì phía tư vấn ACT áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu còn dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc. Trong khi theo tiêu chuẩn của Trung Quốc thì không cần thiết phải có những hồ sơ đó.
Gần đây nhất, khi dự án vẫn còn nhiều việc ngổn ngang, Bộ GTVT bất ngờ đưa ra mốc thời gian dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào vận hành thương mại trong năm 2019 trong ánh mắt hoài nghi của nhiều người. Quả thật, không lâu sau, việc vận hành thử toàn hệ thống tuyến (điều kiện không thể thiếu trước khi đưa dự án vào khai thác thương mại) đột ngột bị tạm hoãn. Lý giải cho việc này, Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ GTVT một lần nữa nhắc đến tên Tổng thầu với lý do, Tổng thầu EPC chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án. Đương nhiên, phía Tổng thầu này thừa hiểu, để vận hành dự án, họ phải hoàn thiện đề cương, cũng như thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống và phục vụ nghiệm thu toàn bộ dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần