Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm nghiệm nhanh có tác dụng cảnh báo

Thắng Văn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 tháng Hà Nội đưa 3 chiếc xe chuyên dụng kiểm nhanh ATTP vào hoạt động, công tác quản lý Nhà nước về ATTP đã có chuyển biến rõ nét.

 
Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Bùi Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) cho rằng để đạt hiệu quả cao nhất, kiểm nghiệm nhanh phải gắn với xét nghiệm chuyên sâu.
Qua 4 tháng cử cán bộ trực tiếp tham gia kiểm nghiệm nhanh ATTP, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của xe chuyên dụng này?
- Khi mới được giao nhiệm vụ, Trung tâm khá bị động về con người vì lịch làm việc đã được lên kế hoạch từ đầu năm. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn thường xuyên bố trí 6 kiểm nghiệm viên đi theo các đoàn thanh, kiểm tra. Dù phải làm việc liên tục và nhiều chuyến kiểm tra vào thời điểm đêm, sáng sớm nhưng đội ngũ kiểm nghiệm viên vẫn rất phấn khởi, nỗ lực làm việc.
Qua thời gian bước đầu cho thấy, việc đưa xe kiểm nghiệm nhanh ATTP vào hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực. Bởi lâu nay, người dân vẫn chỉ quen với cách các đoàn kiểm tra đến lấy mẫu rồi mang về phân tích nhưng nay tiến hành kiểm nghiệm nhanh trên xe chuyên dụng ngay tại chợ, cơ sở sản xuất nên người dân rất phấn khởi, kỳ vọng. Nghĩa là người dân nhìn thấy được công tác quản lý Nhà nước về ATTP đã có hành động cụ thể và phương pháp này có tác dụng cảnh báo nhất định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn không đàng hoàng.
Là người làm công tác kiểm nghiệm lâu năm, bà đánh giá như thế nào về các trang thiết bị của xe kiểm nghiệm nhanh lần này?
- Trang thiết bị của 3 xe kiểm nghiệm nhanh mà TP đưa vào sử dụng từ tháng 11/2016 cơ bản được bố trí theo khuôn mẫu xe kiểm nghiệm nhanh của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhưng cả xe và trang thiết bị đều mới hơn. Cơ bản, những trang thiết bị kỹ thuật này thì cán bộ của Trung tâm đã được tiếp xúc và làm quen từ năm 2013 – 2014. Có thể nói, trang thiết bị trên xe phục vụ làm kiểm nghiệm nhanh tương đối đầy đủ, đáp ứng được khối lượng công việc phân tích. Trong đó bộ hóa chất, kit kiểm nghiệm cũng khá phong phú với nhiều hãng cung cấp như của Bộ Công an, Vương quốc Anh và Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, trước khi đưa 3 xe đi vào hoạt động, đội ngũ kiểm nghiệm viên đã được đào tạo, tập huấn đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc.

Cán bộ của Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội làm việc trên xe kiểm nghiệm nhanh. Ảnh: Quang Thiện

Hiện nay, các hóa chất kiểm nghiệm nhanh được chia ra một số nhóm. Thứ nhất là nhóm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai là nhóm chất kháng sinh, tăng trọng, tăng trưởng, chất cấm thuộc nhóm beta-agonist. Thứ ba là chất bảo quản như phoocmon, hàn the, phẩm màu, tẩy trắng… Tuy nhiên, trong quá trình kiểm nghiệm nhanh vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Cụ thể những khó khăn đó là như thế nào, thưa bà?
- Đó là một số hóa chất có thời gian làm kit kiểm nghiệm nhanh còn dài, chẳng hạn như đối với chỉ tiêu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cần khoảng 1,5 giờ. Mục đích của kiểm nghiệm nhanh là mở rộng đối tượng kiểm tra nhưng với thời gian này không đảm bảo cho kiểm nghiệm rộng và số lượng mẫu lớn. Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm nghiệm viên dù đã được đào tạo song  số lượng còn ít bởi ngoài phục vụ các đoàn thanh kiểm tra, đội ngũ này còn làm các nhiệm vụ khác của Trung tâm. Mỗi xe kiểm nghiệm chỉ có 2 kiểm nghiệm viên làm việc nên với số lượng mẫu lớn thì cũng khá vất vả và không đáp ứng được tính chất, yêu cầu công việc.
Qua test nhanh, một số mẫu đã phát hiện dương tính với chỉ tiêu kiểm nghiệm và được đưa về làm kiểm nghiệm chuyên sâu. Bà có thể tiết lộ kết quả phân tích cho đến nay ra sao?
- Việc tiến hành kiểm nghiệm nhanh và công tác lấy mẫu kiểm nghiệm do Trưởng đoàn của từng đoàn kiểm tra quyết định. Thực tế có một số đoàn có gửi mẫu nghi dương tính về Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội làm phân tích chuyên sâu. Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn cơ bản đảm bảo ATTP.
Được biết, tới đây TP sẽ tiếp tục đưa thêm 2 xe kiểm nghiệm nhanh vào hoạt động. Theo bà, để nâng cao hiệu quả hoạt động của xe kiểm nghiệm và công tác quản lý về ATTP cần có biện pháp gì?
- Hiện nay, một số hóa chất mới trong thực phẩm chưa có kit để kiểm nghiệm nhanh, chẳng hạn như vàng ô trong thịt gia cầm. Thực tế, kiểm nghiệm nhanh cũng chưa phải là căn cứ khoa học để xử phạt vi phạm về ATTP. Do đó, cùng với đẩy mạnh nâng cấp, hoàn thiện trang thiết bị thì công tác kiểm nghiệm nhanh phải gắn với kiểm nghiệm sâu trong phòng thí nghiệm. Từ kết quả dương tính giả, qua kiểm nghiệm chuyên sâu nếu phát hiện dương tính thật làm cơ sở xử phạt mạnh đâu ra đấy thì chắc chắn có tác dụng răn đe rất lớn đối với các cơ sở vi phạm về ATTP. Qua quá trình làm quyết liệt như vậy mới dần củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, TP cũng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đội ngũ kiểm nghiệm viên để yên tâm công tác.
Xin cảm ơn bà!
2/10 mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng hàng nghìn lần
Trước tình trạng nhiều trường hợp ngộ độc, tử vong do rượu, chiều 7/3, tại Sở Y tế Hà Nội đã diễn ra cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) về phòng chống ngộ độc rượu methanol.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, từ ngày 22/2 - 7/3, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ghi nhận 11 bệnh nhân nam sống tại Hà Nội tuổi từ 40 - 54, trong đó có 1 trường hợp tử vong được chẩn đoán ngộ độc rượu  methanol. Ngay sau sự việc trên, Chi Cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra và các quận, huyện cũng tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu. Tính đến ngày 7/3, đã kiểm tra 225 cơ sở, xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng và niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, qua kết quả xét nghiệm phát hiện 2/10 mẫu rượu tại phường Mộ Lao (Hà Đông) và phường Khương Đình (Thanh Xuân) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép từ gần 900 đến hơn 2.000 lần. Cụ thể, mẫu ở Mộ Lao là 202475mg/l và mẫu ở Khương Đình là 89680mg/l, trong khi  tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100mg/l cồn 1000.  (Nam Nhi)

Về công tác ATTP, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc, trong đó năm 2016 đã kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban và phân công một Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách. Đồng thời, Hà Nội cũng bước đầu phối hợp tốt với các tỉnh, thành để sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, TP còn đầu tư xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh ATTP phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Sự chuyển động của Hà Nội về ATTP là khá rõ nét, tuy nhiên ở cấp TP rất “nóng” nhưng ở cấp cơ sở còn nhiều vấn đề phải khắc phục.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT  Vũ Văn Tám

Ngày 22/2, Sở NN&PTNT có quyết định bàn giao cho Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tiếp quản 1 xe kiểm nghiệm nhanh phục vụ cho hoạt động thanh, kiểm tra về ATTP, định kỳ báo cáo kết quả về Sở.