“Nóng” cả ngày lẫn đêm
Thống kê của Ban chỉ đạo 127 TW, từ đầu tháng 12 đến nay, trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu hàng phục vụ Tết, trong đó nhiều vụ có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ngày 26/12 tại kho hàng ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện trên 50 tấn bánh kẹo, mứt, ô mai do Trung Quốc sản xuất. Trước đó, ngày 25/12, trên địa bàn quận Long Biên đội QLTT số 4 kiểm tra 3 xe ô tô cũng phát hiện 7 tấn hàng hóa gồm: Rượu ngoại, ô mai, bánh kẹo… tất cả số hàng hóa này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại Siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
|
Theo báo cáo của Cục QLTT (Bộ Công Thương): Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã xử lý gần 80.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tổng mức thu, phạt trên 350 tỷ đồng; lực lượng công an xử lý 12.903 vụ, số tiền thu, phạt 739 tỷ đồng. Từ tháng 10/2012 đến nay, tình hình buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, việc buôn bán, vận chuyển pháo lậu vào nội địa rất phức tạp, đã xuất hiện thêm một số điểm vận chuyển pháo lậu tại các huyện Văn Lãng, Tràng Định (Lạng Sơn), Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh).
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội: Hàng lậu "tuồn" vào thị trường nội địa bằng nhiều cung đường khác nhau và đã xuất hiện những tuyến đường vận chuyển hàng lậu mới như chuyển hàng qua Phú Thọ về Hà Nội. Ở tuyến Lạng Sơn, Móng Cái - Hà Nội chủ yếu là đồ gia dụng, điện tử, quần áo, bánh kẹo; tại các tỉnh miền Trung là thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm...
Thực tế công tác chống buôn lậu cho thấy, dân buôn lậu ngoài việc tận dụng tối đa các xe chở khách còn lợi dụng đường hàng không, bưu điện để việc vận chuyển hàng lậu. Thời gian gần đây, dân buôn lậu còn có thêm thủ đoạn mới như: Quay vòng hóa đơn, chứng từ hàng hóa trong việc vận chuyển hàng nhập lậu.
Quản lý chặt thị trường
Để kiểm soát tình hình thị trường ngăn chặn buôn lậu những tháng cuối năm, các lực lượng chức năng đang đẩy mạnh việc kiểm tra thị trường.
Hà Nội là nơi phát luồng hàng đi cả nước nên tình trạng buôn lậu trong những ngày áp Tết cũng gia tăng. Để ngăn chặn hoạt động này, lực lượng chức năng Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra các cửa hàng kinh doanh lớn, địa điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi; Các điểm giao nhận hàng trên tất cả các tuyến vận chuyển. Trong đó tập trung đấu tranh với các đối tượng buôn lậu tại chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp. Giao đội QLTT số 1, số 17 số 14 kiểm tra trên khâu lưu thông, siêu thị qua đó ngăn chặn hàng thực phẩm tưới sống chưa qua kiểm dịch, hàng giả mạo nhãn hiệu. Giao đội QLTT số 17 chủ động kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sản xuất pháo nổ.
Tại buổi làm việc về công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 và hoạt động của Ban chỉ đạo 127 TW ngày 28/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tập trung các lực lượng nắm chắc tình hình, địa bàn trọng điểm, ngăn chặn hoạt động buôn lậu những có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, thực phẩm... Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế và Bộ NN&PTNT tập trung điều tra, phát hiện, truy tố nghiêm các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gia súc, gia cầm. Chủ tịch UBND các tỉnh phải trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo việc chống buôn lậu và gian lận thương mại. Lực lượng QLTT nâng cao công tác dự báo tình hình gian lận thương mại, xử lý nghiêm cán bộ bao che cho các hoạt động buôn lậu.
"Bộ Công Thương đã thành lập một số đội cơ động liên ngành có chức năng kiểm tra xử lý các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn cả nước. Việc thành lập các đội liên ngành cơ động sẽ nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, đồng thời tránh tình trạng chồng chéo giữa các lực lượng chức năng, nâng cao hiệu quả việc chống buôn lậu từ T.Ư đến địa phương." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |