Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt “đầu vào” lớp 10

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng chất lượng “đầu vào” ở các trường THPT (cả công lập và ngoài công lập), bảo đảm quyền lợi cho học sinh (HS), năm nay, Hà Nội kiên quyết không giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015 - 2016 cho các trường không đủ điều kiện.

Theo kế hoạch đã “lên khung” của Sở GD&ĐT, tuyển sinh năm học 2015 - 2016 vẫn kết hợp thi tuyển với xét tuyển, lấy đó làm căn cứ để tuyển vào lớp 10 THPT. Đây là phương án đã được Hà Nội duy trì gần 10 năm, được nhìn nhận là phù hợp với điều kiện hiện tại, đồng thời giúp đánh giá được cả quá trình học tập, rèn luyện của HS trong 4 năm học THPT. Tuy nhiên, nhà quản lý sẽ siết “đầu vào” cấp THPT bằng cách không giao chỉ tiêu đối với các trường không đảm bảo điều kiện về chất lượng dạy học, cơ sở vật chất, giáo viên; cắt chỉ tiêu đối với trường có điểm trường thứ 2… 
Dự kiến, Hà Nội có khoảng gần 80.000 HS tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016.

Riêng với các trường ngoài công lập – các đơn vị hay thiếu điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên, để được giao chỉ tiêu phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn: Tổ chức bộ máy và đội ngũ; cơ sở vật chất; tài chính; chuyên môn; tuyển sinh, trong đó, 3 tiêu chuẩn đầu là bắt buộc, nếu không bảo đảm một trong 3 tiêu chuẩn đó thì coi như không đạt yêu cầu. Ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT cho biết: “Trước khi giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 vào khoảng tháng 4, Sở sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra điều kiện tuyển sinh ở các nhà trường”.

Đây là năm thứ hai, Sở GD&ĐT Hà Nội chặt chẽ với “đầu vào” của các trường ngoài công lập. Năm ngoái đã có 7 trường ngoài công lập bị cắt chỉ tiêu lớp 10. Những trường có điểm trường thứ 2, nếu năm ngoái được giao chỉ tiêu tuyển sinh một lớp thì năm nay cũng sẽ bị cắt giảm để tránh tình trạng mỗi trường có vài ba địa điểm tuyển sinh, gây khó khăn cho công tác quản lý, dạy và học. Một yêu cầu bắt buộc khác là phải có cam kết thuê, mượn địa điểm ít nhất trong 3 năm học để bảo đảm cho HS học hết chương trình THPT (hiện có 46% số trường THPT ngoài công lập còn thuê, mượn địa điểm để tổ chức dạy học). Trong buổi làm việc với lãnh đạo 93 trường THPT ngoài công lập gần đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các trường lưu ý các tiêu chí đã quy định để chuẩn bị điều kiện tuyển sinh, chấm dứt tình trạng sát đến thời điểm tuyển sinh vẫn xin “nợ” tiêu chuẩn.

Chỉ tiêu được giao cho các trường THPT công lập được hạn chế ở mức 40 HS/lớp. Chỉ tiêu giao cho trường THPT ngoài công lập được tính toán dựa trên các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục thực tế và không được tuyển quá 10% đối với các trường có chỉ tiêu trên 200 HS.