Kiểm soát chất thải nhựa: Không tuyên truyền, vận động suông

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thảm họa do chất thải nhựa khó phân hủy gây ra đối với toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những giải pháp tích cực nhằm hạn chế phát sinh chất thải nhựa.

 GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Ở Việt Nam, biện pháp được xem là mạnh mẽ là đánh thuế túi nilon. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khung thuế cao nhất đối với sản phẩm nhựa dùng một lần là 50.000 đồng/kg vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng.
Xoay quanh vấn đề này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Hạn chế không đồng nghĩa với tăng thuế
Thưa GS.TS Đặng Kim Chi, trong hàng tỷ tấn rác thải trên toàn cầu, một lượng lớn rác thải có nguồn gốc polyme nhân tạo (chất thải nhựa) chậm và rất khó và hầu như không phân hủy được. Bà có thể cho biết rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa?
- Theo tính chất của từng loại nhựa có thể phân ra: Nhựa LDPE (bao bì đựng hàng tiêu dùng, thức phẩm - tên gọi chung là túi nilon, chai truyền dịch, xilanh tiêm); nhựa HDPE (vỏ chai nước khoáng, nước giải khát, dầu ăn); nhựa PVC (ống nước, tấm lợp nhựa, dây điện); nhựa PP (bao bì xác rắn, một số loại nhựa cứng); nhựa PS (hộp xốp, bọc vỏ máy, vỏ bút bi, cốc đựng nước nhựa).
Một số ngành nghề sản xuất và dân sinh có thể sinh ra các loại chất thải nhựa như: Đóng gói (40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói, bao bì đựng các thực phẩm đồ dùng sinh hoạt gia đình như chai, cốc, ống hút, kể cả bát đĩa đũa nhựa, các sản phẩm công nghiệp); nông nghiệp (hệ thống ống tưới tiêu, thùng/hộp trồng cây, lưới và tấm bảo vệ); xây dựng (sử dụng rất nhiều nhựa cho khung cửa, cửa, cổng, bàn ghế, tủ, vải nhựa che phủ các công trình)… Đó là chưa kể đến ngành nghề tạo nên rác thải vi nhựa như mỹ phẩm, dệt may, giao thông đường bộ;…
Chất thải nhựa có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Túi nilon dùng làm bao bì, khi thải bỏ túi nilon, kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp thì túi nilon lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Nếu túi nilon được xử lý bằng nhiệt lại sinh ra rất nhiều khí độc. Và với chế độ nhiệt không tốt còn sinh ra cả dioxin, CO2 và một số chất khác gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
Mặc dù gây hại cho cả môi trường và sức khỏe con người nhưng tại sao rác thải nhựa vẫn tồn tại tràn lan khắp nơi, thưa bà?
- Tôi cho rằng, sự tiện dụng cao và giá thành thấp đã làm cho các sản phẩm nhựa và túi nilon trở thành vật dụng thiết yếu, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội sau đó được thải bỏ bừa bãi sau khi sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm nhựa, túi nilon dùng 1 lần. Mặt khác tổn hại từ rác thải nhựa nó ẩn sâu, thấm lâu chứ không mang tính chất tức thời nên người dân chưa thấy lo sợ, vẫn sử dụng thường xuyên , đặc biệt với sản phẩm nhựa khó phân hủy, túi nilon dùng 1 lần dùng.
Song cũng phải công bằng mà nói, để thay đổi thói quen thì cần phải có sản phẩm thay thế và phải có chế tài đối với sử dụng túi nilon. Gần đây, “bắt mạch” được xu thế thị trường, có nhiều sản phẩm nhựa dán nhãn “tự hủy sinh học”.
Thế nhưng, về bản chất, đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa, thành phần nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường, vì dễ dàng hòa lẫn vào nước, đất, bị động vật nuốt vào và quay trở lại chuỗi thực phẩm của con người. Song, người dân lại chưa có đủ thông tin về loại sản phẩm này. Còn sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường thì giá lại không rẻ.
Chúng ta đã có đánh thuế bảo vệ môi trường. Đây chẳng phải là chế tài hạn chế rác thải nhựa nguy hại hay sao?
- Đây là một giải pháp nhưng chưa hiệu quả. Ví như thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon hiện được áp dụng ở mức kịch khung là 50.000 đồng/kg. Thế nhưng thực tế, sản phẩm này đang được bán phổ biến trên thị trường chỉ từ 25.000 - 40.000 đồng/kg - thấp hơn cả thuế. Và con số 25.000 - 40.000 đồng/kg túi nilon cũng đang khiến các loại túi đựng thân thiện với môi trường gần như không thể cạnh tranh, không còn đất sống. Như vậy rõ ràng, chính sách tăng thuế sử dụng túi nilon đang bất lực trong việc góp phần bảo vệ môi trường.
Do đó, để hạn chế túi nilon hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tăng thuế. Bởi tăng thuế bao nhiêu chăng nữa mà không có các sản phẩm thay thế thì nilon vẫn lại hoàn nilon.
Cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn
Vậy có phải bà đang muốn đề cập đến yếu tố con người?
- Đúng vậy. Sự tồn lưu rác thải nhựa, sự tích tụ của các mảnh vụn nhựa, nilon trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Chúng ta đã có Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 11/4/2013, phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại… và đến năm 2020 là giảm 65% so với năm 2010…
Thế nhưng thực tế, đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kế của các cơ quan chức năng thì khối lượng sử dụng túi nilon khó phân hủy không những không giảm mà còn tăng theo cấp số nhân. Thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Theo bà, giải pháp nào để kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế túi nilon?
- Để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa. Túi nilon hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước. Từ tháng 1/2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng).
Kể từ tháng 4/2019, Chính phủ Campuchia bắt đầu đánh thuế việc sử dụng túi nilon. Những người đi mua sắm ở các trung tâm thương mại và các siêu thị sẽ phải trả thêm 400 riel (khoảng 2.300 đồng) cho 1 túi nilon. Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam. Một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi nilon, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea.
Tại châu Âu, dự kiến bắt đầu từ năm 2021, 10 sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa, tăm bông hay que gài bóng bay sẽ bị cấm sử dụng. Các sản phẩm kiểu này sẽ phải làm bằng các vật liệu tái sử dụng… Điều đó cho thấy, để kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa, chúng ta không thể chỉ tuyên truyền “suông”, vận động “chay” và mong chờ hiệu ứng tích cực lan tỏa để từ đó chống rác thải nhựa. Chúng ta cần có hành động thiết thực, cần luật hóa về chống rác thải nhựa. Cùng đó, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn - một khái niệm khá mới, thưa bà?
- Mới với chúng ta nhưng thế giới thì xuất hiện lâu rồi. Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm 3 giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, kinh tế tuần hoàn tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Kinh tế tuần hoàn thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải.
Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đối với DN, hiểu đơn giản là việc tích cực đổi mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, hạn chế tiêu hao năng lượng và sử dụng các nguyên nhiên vật liệu để có sản phẩm đầu ra đủ khả năng tái chế... Còn đối với người tiêu dùng, ngoài việc hạn chế sử dụng các vật dụng, bao bì đóng gói liên quan tới nhựa cũng cần thay đổi hành vi và thói quen, thậm chí cần có thái độ kiên quyết loại bỏ.
Đã có không ít dự án, đề án của các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước được triển khai tại Việt Nam nhằm tái chế rác thải nhựa và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để tạo nên xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và thay đổi nhận thức bảo vệ, gìn giữ môi trường ở mỗi cá nhân, ví như Heineken Việt Nam, Tetra pak…
Xin cảm ơn bà!

Thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền TP qua những chương trình hành động ưu tiên cụ thể.

Mới đây, ngày 25/10/2019, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 232/KH - UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn với các mục tiêu 100 % các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80 % các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Đến 31/12/2020, TP Hà Nội sẽ hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần